Lăng xê và hậu quả của sự quá đà

Lăng xê và hậu quả của sự quá đà

ltruong3-1348823685_480x0.gif
Ca sĩ Lam Trường.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Phan Khắc Hải đã cảnh báo về sự lăng xê quá đà dẫn đến những ngộ nhận trong giới nghệ sĩ, tạo ra không ít nghịch cảnh trong hoạt động nghệ thuật. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Phát hiện, nâng đỡ các tài năng trẻ là cần thiết nhưng việc viết, giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ trẻ trên báo cần đúng mức, đúng với khả năng thực của họ”.Trong cơ chế thị trường, việc khán giả thích và tôn sùng một gương mặt nào đó lên hàng “sao” là chuyện bình thường. Nhưng không có nghĩa gương mặt đó là những ngôi sao sáng thực sự trong nền văn nghệ nước nhà. Bởi lẽ, thị hiếu luôn thay đổi và sự nhìn nhận, đánh giá của từng bộ phận khán giả cũng không giống nhau, nhất là khi gương mặt đó, giọng ca đó chưa được giới chuyên môn thẩm định và khẳng định. Đan Trường, Lam Trường, Phương Thanh… từng là thần tượng của không ít khán giả trẻ nhưng ngay ở thời điểm những giọng ca này đang đắt khách vẫn có không ít người, thậm chí rất nhiều khán giả, chủ yếu là những người sành nhạc, những khán giả trung tuổi không thích, thậm chí “ghét cay ghét đắng”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Văn Hoá về đời sống âm nhạc đã bày tỏ những bức xúc về một giọng ca đang lên: “Không hiểu sao người ta lại đánh giá cao một ca sĩ bị bể thanh quản…”.
Nếu chỉ là chuyện lăng xê quá với khả năng thực của ca sĩ thì cũng không có gì đáng nói, nghiêm trọng ở chỗ sau khi được lăng xê, nhiều ca sĩ ngộ nhận về khả năng của bản thân, làm mình làm mẩy, đòi cát xê cao, thiếu tôn trọng khán giả. Không ít ca sĩ tự cho mình cái quyền thích gì hát nấy bất kể có hợp với chương trình, với đối tượng khán giả mà họ phục vụ hay không. Trong những chương trình ca nhạc tại Hà Nội thời gian gần đây thường xuyên có hiện tượng một vài ca sĩ chỉ hát những bài hát do người thân của mình sáng tác, hoặc tự mình sáng tác, biến chương trình thành nơi ra mắt, quảng bá những bài hát mới mà phần nhiều trong số đó nếu có một hội đồng thẩm định thật khe khắt thì sẽ không bao giờ được xuất hiện trước công chúng.
Tại đêm giao lưu điện ảnh nhân dịp Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 45, trong lúc các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ các nước đều cố gắng trổ tài thể hiện những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc mình thì các ca sĩ nước chủ nhà Việt Nam lại thể hiện một loạt ca khúc của nhạc sĩ trẻ Vũ Quang Trung như thể Việt Nam chỉ có nhạc sĩ này là độc đắc. Lại có ca sĩ hét vào tai khán giả một ca khúc về “Mưa”… như đọc một bài thơ không tiết tấu, giai điệu. Không ít nghệ sĩ ngồi dưới lắc đầu: “Thế cũng gọi là bài hát. Không biết ai là người cho phổ biến những ca khúc loại này…”.
Lăng xê rồi lại bất bình phê phán chẳng ai khác chính là các ông bầu và báo giới. Một ông bầu ở Hà Nội than thở: 3 năm trước tôi đưa Phương Thanh và Lam Trường ra Hà Nội biểu diễn, khán giả tiếp nhận họ rất hờ hững, 3 năm sau sự thể đã khác, tôi mời họ nhưng họ mặc cả lại tôi với giá rất cao”. Còn một nhà báo, là thư ký toà soạn của một tạp chí chuyên ngành thì phẫn nộ: “Báo mình đăng rất nhiều bài lăng xê không công cho họ nhưng khi báo tổ chức một chương trình ca nhạc chào Noel thì họ đòi giá rất cao, không dưới 9 triệu/sô…”. Ca sĩ K, thì thản nhiên kể về bước đường thành đạt của mình: Tôi đã từng biểu diễn rất nhiều nhưng chưa nổi tiếng, khi biết ở thành phố Hồ Chí Minh có một nhóm người chuyên lăng xê những gương mặt trẻ, tôi đã tìm đến họ, chấp nhận những điều kiện mà họ đưa ra. Bù lại tôi được tham dự một buổi gặp gỡ trong đó có các nhà sản xuất băng đĩa, một vài nhà báo… Khi đĩa hát có bài do tôi thể hiện cùng đứng chung với các ca sĩ đang ăn khách được tung ra thị trường cũng là lúc trên báo xuất hiện những bài viết về tôi…”. Nói như ca sĩ K, thì việc giới nhạc sĩ có lần kêu trời “báo chí lũng đoạn âm nhạc” không phải là vô cớ. Nếu như các ngành nghề khác, việc phong tặng tước hiệu, danh hiệu… được thực hiện bởi những hội đồng thẩm định khe khắt và người được phong tặng thực sự là những người có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp và tâm huyết với nghề thì trong giới ca sĩ, diễn viên, việc phong tặng danh hiệu “ngôi sao”, “siêu sao” được lạm phát một cách tùy tiện. Mới đóng một vài phim đã trở thành ngôi sao, hát được vài bài “lọt tai” một số khán giả cũng được gọi là ngôi sao.
Việc thẩm định đánh giá một giọng ca là việc của giới chuyên môn; sự hâm mộ của khán giả đối với một giọng ca là việc của khán giả, còn việc của báo chí là phát hiện, giới thiệu những gương mặt mới, chuyển tải đến công chúng những đánh giá xác đáng nhất, đúng mực nhất về hiện tượng đó, giọng ca đó đã được giới chuyên môn thẩm định. Nói cách khác, báo chí là chiếc cầu nối giữa ca sĩ, diễn viên, giới phê bình và khán giả, với chức năng định hướng, hướng dẫn dư luận. Viết đúng sẽ động viên, khích lệ các ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ phát huy khả năng, hoàn thiện mình, cống hiến cho khán giả những vai diễn đẹp, giọng ca đẹp. Mặt khác, hướng dẫn thị hiếu khán giả giúp họ hiểu rõ đâu là giá trị nghệ thuật đích thực. Viết sai không chỉ làm hỏng ca sĩ, nghệ sĩ mà còn làm hỏng cả thị hiếu của người xem, tạo ra những hỗn độn trong biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật.
Sẽ là bất công khi những tài năng đích thực không hoặc rất ít được giới thiệu trên báo trong lúc quá nhiều những gương mặt trẻ chưa thực sự xuất sắc được giới thiệu là “ngôi sao”. Những “ngôi sao” chạy sô vì lợi ích của chính mình, những “ngôi sao” đòi tiền cát xê trong cả những chương trình từ thiện, những “ngôi sao” hát theo ý thích không cần ý thức đến “màu cờ sắc áo” dân tộc trong những chương trình giao lưu quốc tế… liệu đã xứng đáng là NGÔI SAO? Đã đến lúc báo chí cần thận trọng khi duyệt bài, đăng bài chân dung các giọng ca trẻ, diễn viên trẻ. Phát hiện, nâng đỡ, cổ suý họ là việc nên làm nhưng phải đúng mực và đúng với khả năng của họ.(Theo Văn Hoá).

1gom