Đại diện Bờ Biển Ngà đứng đầu Tổ chức Thống nhất châu Phi

k
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan trong phiên khai mạc hội nghị cuối cùng của OAU.

“Tôi sẽ cố gắng hết sức” – Amara Essy nói với báo chí về nhiệm vụ khó khăn của mình. Được sự ủng hộ của các quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp, nhà ngoại giao kỳ cựu của Bờ Biển Ngà đã vượt qua ứng cử viên Namibia, Bộ trưởng Ngoại giao Theo-Ben Gurirab, một nhân vật rất được Nam Phi và các nước phía nam châu lục ủng hộ. Trước đó, ứng cử viên thứ ba, Lansana Kouyate, người Guinea, Thư ký điều hành cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, đã tự rút lui sau khi đạt điểm thấp qua hai vòng bỏ phiếu đầu.
Việc Amara Essy trở thành Tổng thư ký lâm thời của OAU đã chấm dứt mọi tranh cãi xoay quanh kế hoạch của Libya – đưa Tổng thư ký hiện nay của OAU, Salim Ahmed Salim, lên vị trí lãnh đạo trong thời kỳ chuyển giao giữa hai tổ chức. Thời kỳ này dự kiến kéo dài 1-2 năm.
Quá trình bỏ phiếu chọn người thay thế Salim Ahmed Salim là nội dung bao trùm ngày họp đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 37 của OAU, tổ chức tại thủ đô Lusaka (Zambia). Đây là cuộc họp cấp cao lần cuối cùng của OAU, sẽ kéo dài 3 ngày, với mục đích chính là thông qua Hiệp ước AU và lựa chọn địa điểm cho các cơ quan chung của AU (gồm nghị viện, tòa án và ngân hàng trung ương liên Phi).
Hội nghị đánh giá rất cao việc làm của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, thừa nhận ông là “kiến trúc sư chính” của “ngôi nhà” AU. Ông đã tạo ra hình ảnh một nguyên thủ quốc gia ở châu Phi tin tưởng thật sự vào tương lai của châu lục, đã xúc tiến ý tưởng hình thành Liên minh châu Phi để phục hồi kinh tế và đẩy mạnh quan hệ giữa các nước nằm ở châu lục nghèo nhất thế giới này. Tổng thư ký LHQ Kofi Annan phát biểu: “Tôi muốn bày tỏ sự khen ngợi đối với Tổng thống Gaddafi vì ông là người đi đầu”.
Theo thỏa thuận, cơ quan hành pháp của AU sẽ đóng trụ sở tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, nơi thành lập OAU.
Đoan Trang (theo Reuters, 10/7)

1gom