Áp phích phim VN, vì sao chưa chuyên nghiệp?

a
Một áp phích phim nhựa.

Một áp phích hấp dẫn không những đòi hỏi các yếu tố về hình và sắc mà còn phải tổng hợp và điển hình hoá nội dung tác phẩm điện ảnh. Thế nhưng, theo đánh giá của NSND, hoạ sĩ Đào Đức, phần lớn áp phích hiện nay thường chỉ làm đại khái theo lối minh hoạ, tả thực cho nội dung phim (với vài ba cảnh hoặc dăm bảy gương mặt diễn viên), mà thiếu tính thẩm mỹ.
Áp phích Lưới trời là ví dụ. Phương pháp ghép ảnh với gam màu tối không làm nổi bật tính cách các nhân vật chính Tư Lê, Thảo Linh, Hai Phán… và chủ đề chống tham nhũng. Đó cũng là một trong những lý do khiến Lưới trời, dù đoạt giải Cánh diều vàng của Hội điện ảnh VN năm 2002, vẫn không ăn khách. Hoạ sĩ nói: “Lâu nay chúng ta vẫn đổ lỗi cho đạo diễn, biên kịch, diễn viên khi một bộ phim nào đó không ăn khách. Còn tôi thì cho rằng lỗi của hoạ sĩ làm áp phích cũng không nhỏ. Tôi nhớ những năm 60, Hà Nội chiếu phim Trên cao gió thét (Liên Xô cũ). Áp phích phim vẽ cảnh một cô gái chết trên tay người tình. Áp phích đó đã làm rất nhiều cô nữ sinh trung học Trưng Vương rơi nước mắt. Thế là một cô, hai cô… rồi hàng trăm cô ùn ùn kéo đến rạp”.
Ngược lại, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh phấn khởi kể: “Năm ngoái, khi Mùa ổi công chiếu ở Paris, tôi không khỏi ngạc nhiên vì áp phích phim đã được nước bạn làm lại thật đẹp, rất có gu và không rườm rà. Áp phích chỉ có một cận cảnh diễn viên Thu Thuỷ (vai Loan) đang nhìn ra cửa, nơi Hoà lấp ló sau bức tường rào đăm đăm nhìn vào cây ổi. Trên cùng là dòng chữ in đậm: “Bộ phim này là một kiệt tác về chất thơ”. Thực tình, cả đời làm phim tôi chỉ quen nhìn thấy một vài tấm panô vẽ nhem nhuốc treo trước cửa rạp chứ chưa từng được “chiêm ngưỡng” áp phích phim của mình được làm cho hẳn hoi tử tế như thế. Và, cũng nhờ cái áp phích này mà Mùa ổi của tôi đã có 17.000 người xem tại Pháp, một con số được coi là lý tưởng ngay đối với những phim ăn khách chiếu trong nước”.
Vì không đánh giá đúng vai trò của áp phích nên phần đông các đoàn làm phim hiện nay thường giao luôn việc vẽ áp phích cho các hoạ sĩ thiết kế của đoàn. Rất hiếm đạo diễn có ý thức chăm chút cho áp phích phim như trường hợp NSND Bùi Đình Hạc trong Hà Nội 12 ngày đêm. Ông đã cất công “chiêu mộ” Lê Lam, hoạ sĩ nổi tiếng về đề tài cách mạng (từng có bức Che Guevara tại bảo tàng Cuba), chứ không khoán trắng cho hoạ sĩ thiết kế của đoàn. Bởi theo ông, các họa sĩ của các đoàn làm phim chỉ được đào tạo về kỹ năng chọn và dựng bối cảnh, phục trang, đạo cụ chứ không hề được học hành bài bản về vẽ áp phích.
Hiện, ở VN, ngay các trường mỹ thuật chính quy cũng chưa có chuyên ngành riêng về vẽ áp phích phim. Còn ở Hội Mỹ thuật VN, đội ngũ chuyên vẽ áp phích vốn đã ít ỏi (với vài ba tên tuổi như Lê Thanh Đức, Huỳnh Văn Thuận, Đặng Thị Khuê…) lại chuyên chú vào các áp phích cổ động xã hội chứ không mặn mà với phim ảnh. Nhuận bút cho một áp phích phim khá bèo bọt (thường là vài trăm nghìn đồng) so với các áp phích sáng tác để cổ động là một nguyên nhân khiến đội ngũ chuyên nghiệp thờ ơ. Đã vậy, tâm lý của một số hoạ sĩ là muốn có tác phẩm đoạt giải. Thế nhưng, chưa có tiền lệ một áp phích phim giành giải thưởng ở các cuộc thi trong và ngoài nước, nên họ cũng mất dần hy vọng ở thể loại này.
Hiền Hoà

1gom