Nhà văn Nguyễn Kiên: ’Viết văn là nhu cầu tự thân’

a
Nhà văn Nguyễn Kiên (bên phải) tặng sách cho Hoàng tử Thái Lan.

– Ông thấy lễ trao giải Văn học Đông Nam Á năm nay như thế nào?
– Buổi lễ diễn ra theo đúng tác phong công nghiệp. Đầu tiên, Hoàng tử Thái Lan Bhisadej Ratjani đến chào và nhận sách tặng từ mỗi nhà văn được trao giải. Sau đó, mọi người cùng tham dự một bữa tiệc trọng thể với 500 khách mời. Khi tiệc tàn, lễ trao giải mới chính thức bắt đầu. Mỗi nhà văn chỉ được phát biểu trong 2 phút. Cuối cùng là bài phát biểu về văn học và cuộc sống của nhà văn nổi tiếng thế giới Mario Vargas Llosa người Peru, tác giả cuốn tiểu thuyết Dì Hulia và nhà văn quèn. 
Tôi rất xúc động khi nhà văn Brunei nói: “Đất nước tôi bé, độc giả ít lắm, không có sự kích thích của thị trường, nhưng tôi vẫn viết vì sự thôi thúc nội tâm”. Lời tâm sự này khiến tôi một lần nữa nhận ra rằng, viết văn luôn là một nhu cầu tự thân.
–  Theo ông, sự hiểu biết về Văn học Việt Nam của các nhà văn Đông Nam Á đang ở mức nào?
– Họ hiểu biết về văn học Việt Nam chưa nhiều. Kiến thức của ta về văn học các nước trong khu vực cũng hạn chế. Điều quan trọng nhất bây giờ là phải dịch được tác phẩm của nhau và phải tổ chức thường xuyên các cuộc giao lưu.
– “Chim khách kêu” của ông có “kêu” ở Thái Lan?
–  Cũng kêu nhưng còn nhỏ vì độc giả chưa được đọc. Tôi nghĩ, nếu văn học của mình được giới thiệu một cách toàn diện ra khu vực thì chắc chắn sẽ có tiếng vang. Tôi được biết Hội Nhà văn Việt Nam đang định ra một tạp chí mang tính chất đối ngoại, dịch những tác phẩm trong nước ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Tuy nhiên, việc tìm được đội ngũ có trình độ nghiệp vụ và lòng say mê thì không phải dễ vì công việc này rất vất vả mà nhuận bút không được bao nhiêu. Bên cạnh đó, việc dịch lại liên quan đến vấn đề bản quyền. Đây là rào cản lớn cho sự giao lưu và hội nhập. 
(Theo Tiền Phong) 

1gom