Đông Timor vấp phải những thách thức lớn về kinh tế

Người dân Đông Timor đánh cá.
Người dân Đông Timor đánh cá.

Đông Timor sẽ là quốc gia nghèo nhất thế giới, tồn tại dựa vào viện trợ quốc tế. Phần lớn trong số 800.000 dân ở vùng đất này sống bằng trồng trọt và đánh cá. Họ không hề có sản xuất công nghiệp.
Trong 400 năm dưới quyền cai trị của Tây Ban Nha, hàng xuất khẩu chính của Đông Timor là hạt café và gỗ đàn hương. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được hết sức hạn chế. Tây Ban Nha từ bỏ vùng đất này năm 1974 vì duy trì chính quyền ở đây quá tốn kém mà hầu như không thu hồi được vốn.
Indonesia, nước cai trị tiếp theo, đã hiện đại hóa tỉnh Đông Timor trên nhiều phương diện như xây dựng đường xá, cầu cống… Tuy nhiên, phần lớn cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy trong những vụ bạo lực đẫm máu, diễn ra sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 8/1999 về độc lập ở Đông Timor.

 – 90% dân số sống bằng nông nghiệp
 – Thu nhập bình quân trên đầu người là 431 USD/năm
 – Cứ 3 gia đình thì có một sống dưới mức nghèo khổ
 – Khí đốt có thể mang lại 180 triệu USD/năm từ năm 2006.

Người dân trên đảo còn phàn nàn vì quân đội Indonesia đã khai thác gỗ mà không tái trồng rừng nên giờ chỉ có đủ củi đốt chứ không thể nói đến xuất khẩu.
Kể từ năm 1999, nguồn thu nhập chính của Đông Timor là viện trợ quốc tế của Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới. Chi tiêu của các nhân viên cứu hộ và đội quân gìn giữ hòa bình quốc tế đã thúc đẩy nền kinh tế. Trong thời gian tới, quốc gia trẻ nhất trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào viện trợ quốc tế.

Người Đông Timor làm việc cho Liên Hợp Quốc.
Người Đông Timor làm việc cho Liên Hợp Quốc.

Một khó khăn khác là phải tìm công ăn việc làm cho những người Đông Timor hiện làm cho Liên Hợp Quốc, vì tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này sẽ giảm dần sự hiện diện và ngân sách trả cho nhân viên địa phương.
Tuy nhiên, có một hy vọng tươi sáng và lớn lao đối với người Đông Timor. Đó là nguồn dầu mỏ và khí đốt dưới thềm lục địa phía nam hòn đảo.
Theo thỏa thuận với Australia và Liên Hợp Quốc (đại diện cho Đông Timor), Dili sẽ nhận được phần lớn nhất trong nguồn ngân sách thu được từ lượng khí đốt khai thác ở Bayu-Undan bán cho Nhật Bản. Ngoài ra, Đông Timor còn có quyền đánh thuế lượng gas bán ra. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên này không tạo việc làm cho họ. Các nhà lãnh đạo Dili cho rằng cần đàm phán lại bản hiệp định trước đó giữa Australia và Indonesia để hòn đảo có thêm quyền lợi đối với các dàn khoan dầu.
Hạnh Dung (theo BBC)

1gom