Nhà văn Hữu Ước: ’Tôi muốn cảnh tỉnh một lớp già…’

– Cả ba nhân vật chính của “Vòng vây cô đơn”, nhân cách đều có những điều khó chấp nhận, cái kết lại là vụ án mạng thê thảm. Anh nhìn cái xấu, cái ác một cách trực diện, tuyệt đối quá?
– Kịch của tôi hầu như không có nhân vật chính diện. Vì thế, để kịch ra kịch là điều rất khó. Nhưng tôi không ngại, bởi đã đặt ra mục đích cảnh báo tất cả những gì là cái ác, cái xấu trong cuộc sống mà tôi biết. Ở đây, tôi đâu có nhìn cái ác tuyệt đối. Cô Ly Ly được làm cho bớt lạnh lùng tàn nhẫn đi nhiều, so với những gì đã xảy ra trong hiện thực. Cô ấy không chứng kiến người ta giết nhau. Cậu Hạnh phạm tội là do bột phát, là loại người để chiếm hữu tình yêu, sẵn sàng làm nhiều chuyện.
– Quan điểm của anh về các nguyên mẫu của một vụ án hiện được dư luận quan tâm như thế nào?
– Tôi không thể bê nguyên những gì mình nghĩ về nguyên mẫu lên sân khấu mà phải đẩy nó tới một độ khái quát. Tôi muốn cảnh tỉnh một lớp già, tuy đã đạt được danh vọng, tiền tài mà vẫn lòng dục vô cùng, một lớp trẻ vừa thực dụng vừa hãnh tiến, chưa nhìn nhận được đâu là giá trị đích thực của tình yêu, hạnh phúc. Nếu cô Ly Ly không nhầm lẫn giữa tình yêu thực và ảo, không tự huyễn hoặc, nếu trong mỗi con người có thêm một chút tử tế thì không xảy ra kết cục đau xót.
– Trước đây, chỉ những vụ việc đã ngã ngũ công tội, phải trái, mới được đưa lên sân khấu, lên phim. Vì sao, anh lại đưa các nguyên mẫu chưa rõ tội ác ra sao, trừng phạt thế nào mà nhân vật đã khóc cười trên sân khấu?
– Tôi không quan tâm đến bản án toà tuyên sắp tới, bởi có trừng phạt thế nào, thì số phận nhân vật cũng đã được định đoạt kể từ khi họ gây ra vụ việc. Trong Vòng vây cô đơn không có bóng dáng phiên toà nào mà chỉ gợi đến sự sụp đổ, bế tắc tất yếu của những cuộc đời còn rất trẻ và toà án lương tâm.
– Những cốt truyện thật, để lên phim, kịch thường phải có thời gian lắng rất lâu, còn với anh lại quá nhanh?
– Tôi vốn là một người làm báo. Tôi chú trọng đến tính cập nhật của tác phẩm và có khả năng viết khá nhanh. Chính tôi đã theo dõi vụ án từ đầu chí cuối, đến từng chi tiết và nhận ra ở nó những nét điển hình cho cuộc sống đương đại và manh nha một vở kịch đặc sắc. Tôi không ngán tốc độ bởi nó không ảnh hưởng đến những gì tôi viết ra. Chờ đến hôm nay mới viết cũng là một cách suy nghĩ chín hơn.
(Theo Tiền Phong)

1gom