Hai thiếu sót lớn trong điều tra, truy tố vụ buôn lậu Mỹ Phượng

Theo kết luận điều tra và cáo trạng của VKSND Tối cao, Đỗ Thị Mỹ Phượng đã nhập lậu trót lọt 207 container hàng, trong đó có 119 container hàng lậu, trị giá gần 127,5 tỷ đồng. Theo lời khai của Trần Quốc Cường (nhân viên dưới quyền của Trần Tấn Tài), cứ mỗi container 40 feed phải chi 4.000 USD, container 20 feed là 2.000 USD. Tài liệu điều tra khẳng định Cục Hải quan Long An đã làm thủ tục chuyển tiếp và kiểm hóa 185 container, trong đó có 45 container được xác định là hàng lậu, trị giá 64,8 tỷ đồng. Phép nhân đơn giản cho thấy số tiền chi hối lộ cho Hải quan Long An lên đến hơn 500.000 USD. Thế nhưng con số hối lộ thực tế mà các bị cáo nhận chỉ vài trăm triệu đồng.
Tương tự, Hải quan cảng Vĩnh Thái (Cần Thơ) đã kiểm hóa 377 container hàng lậu của Trầm Tấn Tài (đã bỏ trốn). Ngoài ra, cán bộ hải quan ở đây còn làm thủ tục cho 31 container hàng lậu cho Mỹ Phượng. Nhưng các bị cáo chỉ nhận: trước 1997, mỗi lần đi kiểm hóa hoặc làm thủ tục chuyển tiếp chỉ được bố trí ăn ở tại khách sạn, nhậu nhẹt; sau 1997 mới được chi 3 triệu đồng/container 40 feed, 2 triệu đồng/container 20 feed… Tổng số tiền nhận hối lộ cũng chỉ gần 270 triệu đồng.
Dù lời khai chi hối lộ cũng như khai nhận về nhận hối lộ còn nhiều mâu thuẫn, song có thể xác định ngay được là các nhân viên của Mỹ Phượng và Tấn Tài, chỉ là những người làm thuê, không thể có một số tiền khổng lồ như vậy để chi hối lộ. Thế nhưng thực tế, họ bị đưa ra tòa với tội danh đưa hối lộ. Trong khi, Mỹ Phượng chỉ bị truy tố về tội buôn lậu.
Từ tháng 4/1996 đến 6/1997, Mỹ Phượng đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền đi “thu mua” giấy phép nhập khẩu xe 2 bánh của nhiều DNNN, tổng cộng là 9.899 xe. Có số giấy phép này, Mỹ Phượng đã để cho Công ty Agrimexco làm đầu mối nhập tới 9.827 xe Dream. Theo lời khai của Mỹ Phượng tại cơ quan điều tra, do có quan hệ với Phạm Văn Bự (nguyên giám đốc Agrinexco) và Phan Hồng Hạnh (nguyên trưởng phòng XNK), nên sau khi thu gom được giấy phép, Phượng đã chỉ đạo nhân viên soạn các hợp đồng ủy thác nhập khẩu, hợp đồng ngoại thương của các doanh nghiệp, giao hết cho Agrimexco lập hồ sơ nhập khẩu xe máy.
Toàn bộ xe nhập về là xe mới, đều được Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu chứng nhận đã qua sử dụng để tính thuế 70%, trong khi cùng lô hàng này, Công ty Shinhanco Vũng Tàu bị đánh thuế 100%. Tổng cộng các loại thuế mà Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu giúp Mỹ Phượng trốn được là hơn 11 tỷ đồng.
Sự tiếp tay của những cán bộ Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu và Agrimexco là rõ ràng và đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 18 bị can liên quan đến 9.827 xe Dream. Thế nhưng trong quá trình tố tụng, những điều không bình thường đã xảy ra: nhiều bị can được nhập vào, tách ra, lại nhập vào… Và cùng với thiếu sót ban đầu, các cơ quan tiến hành tố tụng đang làm nhẹ bớt hoặc nặng thêm trách nhiệm của một số bị cáo.
(Theo Lao Động)
Theo dòng sự kiện:
Vai trò của Hải quan Long An trong vụ buôn lậu Mỹ Phượng (17/7)Hải quan nhận hối lộ 2.000-4.000 USD một container hàng lậu (14/7)Thủ đoạn lậu thuế của Mỹ Phượng và Tấn Tài (13/7)Vụ Mỹ Phượng: 3 bị cáo đầu tiên đổ tội cho kẻ đang bỏ trốn (12/7)Cách ly Đỗ Thị Mỹ Phượng trong phần xét hỏi (11/7)10/7: Xét xử vụ án 119 container hàng lậu (4/7)Cán bộ hải quan “thoát nạn” trong vụ Đỗ Thị Mỹ Phượng (15/6)Lần thứ hai trả hồ sơ vụ 143 tỷ đồng hàng lậu cho VKS (21/3)

1gom