Vì sao trái phiếu chính phủ kém hấp dẫn?

Giám đốc Công ty Dịch vụ Tiết kiệm bưu điện Nguyễn Văn Gắm, một trong số những khách hàng ít ỏi tham gia mua trái phiếu cho biết, thực chất của việc khó phát hành trong thời gian qua là do lãi suất quá áp đặt. Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ không phải là lãi suất thực của thị trường, mà là do chủ thể nào đó tự quyết định. Cách đây hơn 1 năm, cũng đã có hàng chục phiên đấu thầu diễn ra nhưng không thu được một đồng vốn nào. Chỉ khi Bộ Tài chính quyết định cho phép nới lỏng biên độ lãi suất trúng thầu thêm 0,2% so với lãi suất chỉ đạo thì việc phát hành mới suôn xẻ. Tuy nhiên, cho đến nay thì “võ” nới lỏng biên độ đã tỏ ra không thích hợp.
Chung quan điểm với ông Gắm, một chuyên gia về đầu tư của công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, Bộ Tài chính hiện có xu hướng cố gắng áp đặt lãi suất phát hành cho thật sát với lãi suất huy động tiết kiệm tại cùng thời điểm. Tuy nhiên, trên thực tế việc làm này cũng sẽ khó mang lại hiệu quả bởi trái phiếu chính phủ hiện có tính thanh khoản rất thấp, nếu cùng một lãi suất thì khách hàng sẽ chọn cách gửi tiết kiệm cho linh hoạt, tiện lợi hơn.
Theo một quan chức Bộ Tài chính, việc “mềm” hóa lãi suất huy động trái phiếu chính phủ cũng đã được Bộ tính đến trong các đợt phát hành vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm tiền mặt, nhiều tổ chức tài chính mà đặc biệt là các ngân hàng thương mại không mấy dư thừa vốn để mua trái phiếu thì việc “tâng” lãi suất lên để huy động vốn bằng mọi giá khó có thể thực hiện. Quan chức này cũng thừa nhận, “sân chơi” phát hành trái phiếu chính phủ thời gian qua chủ yếu là của một số tổ chức tài chính như các công ty bảo hiểm nhân thọ, tiết kiệm bưu điện…, mà thiếu vắng những “đại gia” là các ngân hàng thương mại. Và những người tham gia mua cũng chỉ để găm giữ, kiếm lợi nhuận từ phần lãi suất hàng năm chứ không chiết khấu lấy tiền mặt hay thế chấp vay vốn nên khoản tiền này gần như bị “đóng băng”.
(Theo Đầu Tư)

1gom