Chữa khỏi bệnh tiểu đường nhờ cấy ghép tế bào lợn

ñ
Sơ đồ ghép tế bào tiểu đảo của tụy.

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Rafael Valdés, Bệnh viện Nhi đồng Mexico, đã tiến hành thử nghiệm cấy tế bào tuyến tụy cho 12 bệnh nhân tuổi vị thành niên. Để không phải dùng các thuốc chống thải, nhóm nghiên cứu kết hợp cấy cho bệnh nhân các tế bào Sertoli từ tinh hoàn của lợn mới ra đời. Nghiên cứu trước đó cho thấy, các tế bào Sertoli (có tác dụng hỗ trợ sự phát triển của tinh trùng) mang những dấu hiệu nhận biết đặc biệt trên bề mặt, khiến các tế bào miễn dịch định tấn công tạng ghép phải tìm đường “tự vẫn”.
Người ta cấy 2 ống thép không gỉ dài 3 cm vào ngay dưới da người bệnh. Hai tháng sau, khi mô đã mọc ở xung quanh và vào bên trong ống để tạo nên nguồn cung cấp máu cho khu vực, các tế bào Sertoli và khoảng 1 triệu tế bào tiểu đảo lấy từ lợn con 1 tuần tuổi được cấy vào. Bệnh nhân không dùng thuốc chống thải. Kết quả là một lượng lớn tế bào bị đào thải ngay sau đó, nhưng đáp ứng miễn dịch giảm dần.
Hơn một năm kể từ ngày cấy tế bào tiểu đảo của lợn, 1 bệnh nhân hoàn toàn không phải dùng insulin. Tuy nhiên, 5 người khác chỉ có thể giảm 1/2 liều thuốc và 6 cháu không tiến bộ chút nào.
Camillo Ricordi, Đại học Miami (Mỹ), cựu Chủ tịch Hội Tuyến tụy và Ghép tế bào tiểu đảo Quốc tế tỏ ra nghi ngờ thành công này. Các nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, một số người trẻ tuổi đôi khi có thể tự bắt đầu sản xuất insulin trở lại. Theo họ, nhóm chuyên gia Mexico cần chứng minh rằng, insulin thực sự được sản xuất bởi tế bào lợn.
Có ý kiến lo ngại việc ghép tạng khác loài có thể cho phép một loại virus ẩn nấp trong bộ di truyền của lợn truyền sang người. Tuy nhiên, cũng chưa có bằng chứng về sự hiện diện của virus này ở hàng trăm bệnh nhân đã được điều trị bằng tế bào tiểu đảo nhưng không thành công.
Hàng trăm triệu người trên thế giới bị bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin (tiểu đường type 1). Nguyên nhân là do các tế bào tiểu đảo (sản xuất insulin) của tuyến tụy bị chết. Rất nhiều nhóm nghiên cứu đã tìm cách điều trị bệnh bằng cấy tuyến tụy hoặc tế bào tiểu đảo cho người bệnh. 23 năm qua, trong số các bệnh nhân được cấy tế bào tiểu đảo lấy từ tử thi, có tới 90% không cần dùng insulin một năm sau cấy ghép. Tuy nhiên, phương pháp này còn một số nhược điểm:
– Rất khó tìm được các tế bào tiểu đảo phù hợp.
– Tất cả những người được ghép đều phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trong suốt phần đời còn lại. Các thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ.
Vì vậy, nếu thành công, cách điều trị của các nhà khoa học Mexico sẽ là một giải pháp hết sức có giá trị. Báo cáo vừa được trình bày tại một cuộc hội thảo về ghép tạng tổ chức tại Miami (Mỹ).
Thu Thủy (theo NewScientist)
 

1gom