Đội trục vớt tàu Kursk lên đường

gf
Quy trình trục vớt chia thành 3 giai đoạn

Ngay trước khi nhóm thợ lặn khởi hành, vùng biển nơi chiếc tàu ngầm nằm yên ở độ sâu 108 m đã phải hứng chịu cơn bão đầu tiên trong tháng 7. Việc trục vớt sẽ phải hoàn thành trước tháng 9, bởi vì sau đó, thời tiết trở nên không thể dự đoán được.
Ngoài yếu tố thời tiết, còn có nhiều mối nguy cơ khác từ hai lò phản ứng và 24 tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp có trên tàu, đấy là chưa kể đến 18 quả ngư lôi chưa nổ bên trong con tàu cũng như ở khu vực đáy biển cạnh đó.
3 giai đoạn trục vớt
– Chuẩn bị cho tàu ngầm Kursk;
– Buộc dây cáp vào thân tàu;
– Nâng tàu lên và đưa nó tới một xưởng sửa chữa.
Triển khai hành động
Sau khi đến nơi xảy ra thảm hoạ, nhiệm vụ đầu tiên của đội trục vớt sẽ là loại bỏ cát và bùn đã chất đống trên tàu Kursk. Sau đó họ sẽ cắt riêng phần mũi tàu. Bộ phận này đã bị phá huỷ nghiêm trọng đến mức nếu không làm như vậy, nó có thể rụng xuống khi tàu đang được kéo lên. Dự kiến, khâu này sẽ được hoàn thành trước 7/8. Phần mũi tàu sẽ được Hải quân Nga kéo lên sau này, nhằm xác định nguyên nhân của thảm họa.
Nếu có một quả ngư lôi nào nằm dọc đường cắt, thì trước tiên người ta phải dời nó đi. Cũng có khả năng việc cắt rời sẽ khiến cho các quả ngư lôi thay đổi vị trí, gây nguy cơ nổ.
Việc cắt rời sẽ do rô bốt đảm nhận, sử dụng một cưa xích được thiết kế đặc biệt. Vì lý do an toàn, vào thời điểm đó không một thợ lặn nào được xuống biển.
Nhóm 30 thợ lặn cũng sẽ mở các lỗ đường kính 26-70 cm xuyên suốt cấu trúc khổng lồ của con tàu, bằng cách bắn nước và cát ra dưới áp suất rất cao (tới 1.500 atm). Theo các nguồn tin Nga, một loại cát đặc biệt giàu silic đang trên đường tới từ vịnh Bengal.
Vào cuối tháng 8, hoặc những ngày đầu tiên của tháng 9, một sà lan khổng lồ có tên Giant 4 sẽ xuất phát từ Amsterdam đến Barents. Một đầu của những sợi cáp siêu lớn sẽ buộc vào chiếc sà lan này, và đầu kia buộc vào 26 lỗ đã được cắt trên tàu ngầm. Quá trình móc nối này dự kiến sẽ bắt đầu vào 10/9 và việc trục vớt sẽ bắt đầu 5-10 ngày sau đó.
Tổng cộng có 23 chiếc tàu tham gia vào vụ trục vớt, trong đó có các tàu của Hải quân Nga, bảo vệ khu vực, tránh sự soi mói của tàu nước ngoài. Các hệ thống nâng vận hành bằng sức nước đặt dọc theo chiều dài của chiếc sà lan sẽ mất 12-15 giờ để hoàn thành công việc trục vớt chiếc tàu ngầm nặng gần 20.000 tấn này.
Với tàu ngầm Kursk buộc bên dưới, chiếc sà lan sẽ phải mất một tuần để di chuyển đến một xưởng sửa chữa nổi đang chờ tại một cảng gần Murmansk. Thi thể 106 thuỷ thủ vẫn còn ở trong tàu khi đó sẽ được đưa lên. Một nhiệm vụ quan trọng khác là tháo gỡ 24 tên lửa hạt nhân tầm thấp nằm trong các container kiên cố ở phần giữa tàu.
Các quan chức Nga cho rằng 2 lò phản ứng hạt nhân đã tự tắt vào thời điểm xảy ra thảm hoạ và không còn là mối đe dọa nữa. Tuy nhiên, mức phóng xạ sẽ được theo dõi sát sao trong suốt quá trình trục vớt.
Lan Anh (theo BBC, 7/7)

1gom