Long Vũ: Mỹ đã đánh mất hình ảnh đẹp ở Trung Đông

Người gửi: Long Vu Gửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Chiến cuộc Iraq từ cái nhìn cổ xưa.
Cuộc chiến Iraq do nhà cầm quyền Mỹ phát động đã đến hồi gay cấn. Mỗi con người có lương tri đều cảm thấy nhục nhã trước những hình ảnh dân lành vô tội bị thảm sát được phát đi trên truyền hình.
Sau 10 năm cấm vận của Mỹ, đất nước Iraq không thể đứng lên được. Mỗi năm có hàng vạn trẻ em Iraq chết do hậu quả việc cấm vận của Mỹ (con số này lớn hơn nhiều so với con số 420 người chết và 4.000 người bị thương tính đến ngày 31/3). Một đất nước hơn 20 triệu dân với nguồn tài nguyên dầu mỏ giàu có và một vị trí địa lý đặc biệt có ảnh hưởng quyết định đối với toàn bộ khu vực Trung Đông. Iraq là mục tiêu hàng đầu của chính quyền Bush trong công cuộc chinh phục thế giới bằng sức mạnh.
Để thoát khỏi tình thế tuyệt vọng, người Iraq chỉ có thể hy vọng chính quyền Mỹ từ bỏ dã tâm thống trị của mình; hoặc Iraq phải thắng trong cuộc chiến. Điều thứ nhất không xảy ra, còn điều thứ hai là không tưởng. Để có thể chiến đấu và thắp lên ngọn lửa kháng chiến của thế giới Ảrập, người Iraq cần phải lôi kéo quân Mỹ vào một cuộc chiến trên bộ hao người tốn của và hy vọng những tổn thất trên bộ cùng sự sụp đổ về chính trị sẽ dẫn đến phong trào phản chiến trong chính giới lãnh đạo Mỹ, làm suy sụp chính sách toàn cầu của Mỹ cũng như nền kinh tế Mỹ. Nước Mỹ sẽ bị sụp đổ từ bên trong như những đế chế hùng mạnh La mã thời cổ hay nhiều đế quốc Nguyên Mông.
Rất có thể đây là những cơ sở để ban lãnh đạo Iraq đưa ra đối sách, chiến lược chính trị, ngoại giao và quân sự nhằm mục đích khiêu khích, lôi cuốn nhà cầm quyền Mỹ vào một cuộc chiến quyết định, đối với vận mệnh Iraq và chính thể cầm quyền Mỹ.
Đối sách này đã được thể hiện từ nhiều năm về trước và thể hiện đặc biệt trong những năm gần đây. Với LHQ, Iraq tỏ rõ thái độ hợp tác bằng cách cho phép đoàn thanh sát vũ khí, tạo điều kiện hết mức cho cuộc thanh sát vũ khí. Ông Bush nói Iraq có vũ khí hủy diệt và chương trình vũ khí, Iraq đáp trả bằng cách mở dần cửa cho các nhà thanh sát LHQ đến tận tư dinh Tổng thống Saddam và một tập tài liệu 12.000 trang mà có lẽ còn nhiều năm nữa người ta mới có thể phân tích hết được. Điều này không trùng với dự tính của chính phủ Mỹ. Mỹ cáo buộc Iraq là còn giấu giếm các chương trình vũ khí và có tên lửa đạn đạo tầm xa, Iraq đáp trả bằng cách phá hủy gần 50 trên tổng số 120 quả tên lửa (có chiến binh nào không định đầu hàng lại tự phá đi vũ khí của mình khi kẻ địch tới gần?). Điều này chỉ chứng tỏ một điều, đây là những chiến lược có tính chủ động của Iraq. Tôi cho rằng, những việc làm đó không phải để tránh chiến tranh mà để làm lạc hướng và lôi kéo chính quyền Bush vào một cuộc chiến bất lợi.
Những động thái của Iraq cộng với sự phân tích chủ quan tình hình trên cơ sở những siêu máy tính, siêu tướng lĩnh (mà có lẽ là giỏi chiến tranh trên các cỗ máy tính nhiều hơn là trên thực địa…) ảnh hưởng đến các chính sách, quyết định của Bush và dẫn đến những chính sách sai lầm sau này như gửi quá ít quân đến Iraq, đến nay tổng số quân đội Mỹ ở Iraq chỉ có trên 100.000. Tất nhiên, với ưu thế của không quân và vũ khí trên chiến trường, quân Mỹ được nhiều lợi thế khi tiến công nhanh, nhưng lại không đủ lực lượng để chiếm giữ, bình định những vùng đã chiếm, làm cho quân đội Mỹ không bao giờ có hậu phương vững chắc để phát huy chiến quả. Một định lý đơn giản trong quân sự mà ai cũng biết đến là một đơn vị tấn công chỉ có thể chiến thắng một đơn vị phòng thủ nếu có quân số đông gấp 1,5 đến 2 lần. Yếu tố này đã không được các tư lệnh quân đội Mỹ coi trọng.
Trong khi đó, lực lượng quân sự Iraq tuy đã suy yếu nhiều qua các cuộc chiến tranh và cấm vận, vẫn còn trên 300.000 quân. Ngoài ra, chính phủ Iraq còn phát động cuộc chiến tranh nhân dân, trang bị vũ khí cho người dân và dậy cho người dân biết căm thù quân xâm lược. Có thể liên quân Anh Mỹ sẽ đối mặt với gần 7 triệu tay súng Hồi giáo có niềm tin vào sự chính nghĩa và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước. Lúc này, ưu thế về vũ khí, trang bị trở nên kém ý nghĩa hơn.
Chính sách sai lầm dẫn đến các tư lệnh Mỹ phát động cuộc chiến quá sớm khi chưa có một sự chuẩn bị đầy đủ về chính trị, quân sự, các lực lượng dự trữ chưa được tập kết đầy đủ, chưa xin được “giấy phép” để đánh Iraq, bị mất dần các đồng minh mà Mỹ đã phải vung tiền ra để mua. Một sự khởi đầu hấp tấp khó có thể dẫn tới một kết thúc suôn sẻ và điều này đang được chứng tỏ trên chiến trường.Với ảo tưởng sẽ có được sự ủng hộ của người dân cho một cuộc chiến tranh giải phóng (Mỹ tưởng rằng họ sẽ thành công như đã thành công trong chiến tranh thế giới thứ 2 – nhưng điều này thật khó xảy ra vì không ai có thể nghĩ một người từ xa tới mang theo vũ khí vào nhà bạn cùng với lời đe dọa lại có thể là một người giải phóng).
Iraq cũng gắn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ với Israel và chiếm được cảm tình của thế giới Ảrập. Bên cạnh đó, những đường lối ngoại giao sai lầm của Mỹ càng giúp Iraq thu hoạch được thành công to lớn mà điển hình là tuyên bố đứng cạnh nhân dân Iraq của ngoại trưởng Syria cũng như những binh đoàn quân cảm tử Ảrập.
Có thể nói, thành công lớn nhất về ngoại giao chính trị của Iraq là đã khéo léo đứng về phía chiến tranh chính nghĩa và đẩy cuộc giải giáp, chống khủng bố của Mỹ thành cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa và bị thế giới lên án. Ngay những bài học đầu tiên trong cuốn “binh thư yếu lược” của một nhà quân sự Việt Nam thời xưa đã chỉ rõ “Chiến tranh phi nghĩa sẽ thất bại”, một cuộc chiến tranh mất nhân tâm sẽ khó có thể được ủng hộ và về kết cục sẽ không tránh khỏi thất bại (kể cả khi có những thắng lợi về mặt quân sự).
Về phương pháp quân sự, Iraq có lợi thế nhất định khi quyết định lôi kéo quân đội vào cuộc chiến du kích, đô thị, qua đó những bất lợi về trang bị vũ khí có thể được hạn chế cũng như phát huy được uy lực của cuộc chiến tranh nhân dân.
Những vụ đánh bom cảm tử sẽ là mối đe dọa thường trực cho quân đội Mỹ, khiến lính Mỹ không còn tin tưởng vào một “sự đón tiếp nồng nhiệt” của những người được “giải phóng” nữa và sẵn sàng xả súng vào dân Iraq bất kể là thân thiện hay thù địch mà điển hình là vụ lính Mỹ bắn vào một xe chở dân thường Iraq làm chết nhiều phụ nữ và trẻ em. Mặt khác chiến thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh đô thị của Iraq khiến quân đội Mỹ gặp rất nhiều khó khăn, do không thể phân biệt được đâu là bạn, đâu là kẻ thù, từ đó dẫn đến những vụ thảm sát dân thường, làm hỏng hình ảnh những người lính “giải phóng” mà chính quyền Bush đang cố xây dựng.
Người Mỹ đã mất bao nhiêu năm để xây dựng được một hình ảnh của tự do, bình đẳng, bác ái ở Trung Đông thì nay họ lại đánh mất những hình ảnh đẹp đẽ đó và bị Iraq bóc mẽ, “lộ bài” trước con mắt nhân dân tiến bộ thế giới, từ thế mạnh sau vụ 11/9 trở nên “yếu ớt”, dễ bị “tổn thương” về chính trị và bị đồng minh “lo lắng”, “e ngại” như tình huống hiện tại.
Áp lực của một cuộc chiến nhanh chóng đã buộc liên quân phải kéo dài đội hình lê thê như một con “nòng nọc” với khúc đuôi trên 500 km mà bất cứ một nhà quân sự am hiểu binh pháp nào trên thế giới đều hiểu rằng liên quân đang ở thế bất lợi. Chỉ cần Iraq sử dụng những lực lượng không lớn, có hỏa lực mạnh, cơ động nhanh, đánh chặt đứt các tuyến đường tiếp liệu là quân đội Mỹ ở chiến trường lâm vào thế lúng túng bị động, không khéo còn có thể bị bao vây cô lập.Việc không nhanh chóng mở được mặt trận phía bắc khiến cho cuộc tiến công phía nam trở nên kém hiệu quả. Vì chưa thể bình định các thành phố phía nam khiến cho liên quân lúc nào cũng có thể rơi vào thế bị đánh tạt sườn, vu hồi và cắt đường lương thảo, một trong những yếu tố có thể dẫn đến sự thất bại hay phá sản của chiến dịch. Trên thực tế, các chiến xa của Mỹ đã không phát huy ưu thế trên sa mạc. Các cuộc tấn công bằng thiết giáp của Mỹ có lẽ còn chậm chạp hơn nhiều nếu so sánh với các sư đoàn tăng của Đức trong thế chiến II, mặc dầu tính năng của vũ khí hơn hẳn. Mặt khác, đến tận thời điểm này, Iraq vẫn chưa tung không quân ra trận. Hỏa lực phòng không của Iraq tỏ ra khá hiệu quả trong việc chống lại máy bay trực thăng và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, quan sát bầu trời Iraq trong những đêm bị không kích, người ta dễ thấy rằng lực lượng phòng không chủ yếu là lưới lửa cao xạ.
Về mặt trận thông tin và tuyên truyền, rõ ràng Iraq đã ghi điểm khi cho phép các phóng viên chiến trường hoạt động tại Baghdad và phát đi những hình ảnh trung thực về sự hủy diệt đau thương của cuộc chiến mà dân thường đang phải gánh chịu. Việc tung các tin tức thất thiệt nhằm gây hoang mang trong tinh thần quân đội Iraq của các phương tiện truyền thông Mỹ đã gây mất lòng tin của người dân trên khắp thế giới. Những hành động “nông nổi” này làm cho Anh tuyên bố giảm bớt quân ở vùng Vịnh, còn Syria thì tuyên bố đứng vào hàng ngũ Iraq và CHDCND Triều Tiên thì liên tục bắn tên lửa.
Có lẽ những người lính Mỹ trên sa mạc đang ở trong những giờ phút hết sức khó khăn khi cái chết luôn rình rập, khi cuộc chiến của họ không có lý tưởng và cũng chẳng có tương lai, còn chính thể cầm quyền Mỹ cũng đang ở trong một mớ bùng nhùng chính trị, ngoại giao quân sự khó có thể gỡ nổi. Một cuộc chiến chỉ có thể đem lại thêm một nhiệm kỳ cho ông Bush nếu Mỹ thắng bằng quân sự và dựng lên một chính phủ bù nhìn tại Iraq, nhưng điều này ngày càng trở nên xa vời hơn.
 

1gom