Châu Á phải tự hào

Các fan Hàn Quốc ăn mừng chiến thắng.

From: LY KINH HIEN To: [email protected]: Monday, June 24, 2002 12:17 PM Subject: CHAU A PHAI TU HAO!
Tôi là một người không mến mộ đội tuyển Hàn Quốc, nói đúng hơn là rất không thích, nhưng chính họ đã giúp châu Á ngẩng cao đầu trên đấu trường bóng đá quốc tế. Họ đã làm hơn đàn anh Bắc Triều Tiên ở World Cup 66 và Nhật Bản lần này. Nhật Bản vốn được đánh giá có nhiều lợi thế trước Thổ Nhĩ Kỳ nhưng rồi phải thất bại. Trong khi đó, Hàn Quốc bị đánh giá yếu hơn Italy và Tây Ban Nha nhưng đã không phụ lòng mấy chục triệu người Hàn.
Tại sao có quá nhiều người tìm đủ mọi lý do để chỉ trích những bất ngờ mà đội tuyển Hàn Quốc tạo nên? Giả sử những bất ngờ đó được tạo ra bởi một đội tuyển trung bình của châu Âu, Nam Mỹ hay một đội châu Phi thì người ta đã xem đó là “bất ngờ thú vị” rồi. Thật nực cười cho những biện hộ đối với thất bại của người Italy cũng như những gì đã làm đối với “kẻ tội đồ” Ahn Jung Hwan. Có lẽ họ đã thức tỉnh phần nào khi xuất hiện tuyên bố mới nhất của HLV CLB Perugia? Chính những gì mà bóng đá châu Á từng thể hiện tại các vòng chung kết trước đây đã tạo nên một định kiến không hay cho nền bóng đá châu lục đông dân nhất thế giới mà đến nay, trước những tiến bộ đang diễn ra, chẳng những người ta không chịu suy nghĩ khách quan hơn, mà còn phủ nhận một cách không thương tiếc. Đừng nên cho rằng Hàn Quốc không những có 11 cầu thủ trên sân mà có đến 14, 15 cầu thủ. Chúng ta hãy cùng nhớ lại xem siêu cường bóng đá Argentina đã làm những gì ở World Cup 1978 tại quê nhà. Chiến thắng của Hàn Quốc mang lại cho chúng ta niềm tin rằng, một ngày không xa, trình độ bóng đá châu Á sẽ sánh ngang với bóng đá châu Âu và Nam Mỹ. Chúng ta hãy liên tưởng đến khía cạnh kinh tế. Một thế kỷ trước có ai nghĩ rằng khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) sẽ là một tâm điểm của nền kinh tế thế giới. Những gì đã và đang diễn ra đã chứng tỏ rằng châu Á không còn là mảnh đất thuộc địa của châu Âu mà đã trở thành những đối thủ ngang tài ngang sức về mặt kinh tế và với đà phát triển như hiện nay, có nhiều triển vọng vượt qua họ. Bóng đá cũng sẽ không là ngoại lệ. Theo dõi trận đấu, có thể thấy các cầu thủ Hàn Quốc không hề tỏ ra thua kém các cầu thủ Italy. Họ thi đấu khá tự tin, tấn công không mệt mỏi trong suốt 90 hiệp chính và cả hai hiệp phụ. Không phải là người yêu thích đội Hàn Quốc, nhưng khi theo dõi trận đấu, tôi đã cầu mong cho những đứa con châu Á chiến thắng bởi họ xứng đáng được như thế. Nếu thua trận, tôi nghĩ họ vẫn có thể ngẩng cao đầu vì đã thi đấu hết sức kiên cường. Tôi phản đối suy nghĩ cho rằng các cầu thủ Hàn Quốc đã thể hiện một lối đá “kungfu”. Thế còn những cú đánh cùi chỏ, quơ tay của hàng thủ “rắn” của Italy thì sao? Chính người Italy đã nghĩ đến chiến thắng quá sớm khi trận đấu chưa kết thúc. Tục ngữ Việt Nam có câu “còn nước còn tát” đó thôi! Chúng ta không thể phủ nhận yếu tố chủ nhà là một lợi thế không nhỏ đối với đội tuyển Hàn Quốc. Nó góp phần đáng kể nâng cao sự tự tin và tinh thần thi đấu của toàn đội, nhất là khi các cầu thủ được nghe hát hò cổ vũ suốt trận “Dae Han Min Kook”(Đại Hàn Dân Quốc) hay “Oh! Pil-sưng. Korea!” (Ồ, quyết thắng, Hàn Quốc ơi!). Chính Hàn Quốc và Nhật Bản ở một mức độ nào đó, đã gỡ thể diện cho bóng đá châu Á trước những thất bại thê thảm của Ảrập Xêút và Trung Quốc. Hãy tự hào là người châu Á, khi Nhật Bản và Hàn Quốc đều hiên ngang bước vào vòng hai và nhất là khi Hàn Quốc đánh bại Italy để tiến vào tứ kết, đánh bại Tây Ban Nha để lọt vào đến bán kết gặp “Cỗ xe tăng” Đức. Mọi bất ngờ đều có thể tiếp diễn vì quả bóng vốn tròn.Tôi xin chúc các cầu thủ Hàn Quốc thành công hơn nữa. Chúc cho bóng đá châu Á ngày càng tiến bộ trên đấu trường quốc tế. Chúc cho thế giới ngày càng văn minh và thật sự bình đẳng trên mọi phương diện.
Lý Kính Hiền (Đại học Kyunghee, Seoul)

Hãy gửi bài viết theo địa chỉ:  [email protected]
1gom