Vì sao nước Nga nói “không” với người nhập cư?

Chợ ở Matxcơva.
Chợ ở Matxcơva.

Giống như ở hầu hết các nước phát triển, tỷ lệ sinh tại đây đã giảm trầm trọng. Một phụ nữ chỉ sinh trung bình 1,1 con, quá thấp so với mức 2,4 cần thiết để duy trì số dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử, nhất là ở nam giới trong độ tuổi lao động đã tăng vọt do nạn nghèo đói, nghiện rượu và ma tuý, bệnh tật, stress… Dân số Nga đã giảm từ 149 triệu cách đây một thập kỷ xuống còn 144 triệu hiện nay. Các chuyên gia nhận xét mỗi năm nước này mất đi 1 triệu người.
“Toàn bộ vùng Siberia và khu vực Viễn đông của Nga đều giảm dân. Giờ đây, những miền sa mạc mới lại xuất hiện cả ở những nơi xưa kia vốn trù phú tại miền trung nước Nga”, ông Lev Gudkov, một nhà nhân khẩu học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến dư luận Nga, bình luận. “Chúng ta sẽ không thể duy trì nền công nghiệp, nông nghiệp hay các lực lượng vũ trang”.
Ông dự đoán trong vòng 20 năm nữa, cứ 1 người ở độ tuổi lao động thì sẽ có 1 người hưởng trợ cấp. “Ngay cả một nước có nền kinh tế mạnh cũng không thể chịu nổi sức ép như vậy”, Gudkov bình luận.
Các nhân vật theo tư tưởng dân tộc thì đổ tội cho phụ nữ. Giải pháp những vị này đưa ra là đẩy phụ nữ khỏi lực lượng lao động và “tống” họ về nhà để sinh con đẻ cái.
Đa số các nước phương Tây bù tỷ lệ sinh thấp bằng cách tận dụng nguồn lao động nhập cư. Nga thì lại không hào hứng với ý tưởng này. Ông Yevgeny Krasinyev, phụ trách nghiên cứu về vấn đề di trú tại Viện Nghiên cứu Dân số Xã hội và Kinh tế Matxcơva, bình luận: “Nguồn nhập cư duy nhất mà chúng tôi có thể chấp nhận được là từ các nước nói tiếng Nga thuộc khối Liên Xô cũ”.
Nhưng ngay cả dòng người đến từ khối SNG cũng đã chững lại. Nghị sĩ Alexander Belyakov, đứng đầu Uỷ ban Nguồn lực trong Duma Nga, cho biết: “Chúng tôi sẽ khuyến khích những người đến từ SNG, nhưng Nga không cần thêm người nhập cư ở nơi khác”.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Độc lập St Petersburg, Viktor Voronkov, cho biết các nhà hoạch định chính sách lo sợ nước Nga sẽ tràn ngập dân tứ xứ: “Tư tưởng bài ngoại vẫn còn rất mạnh, không chỉ trên đường phố mà còn ở những cấp hành chính cao nhất”. Trung Quốc là nước khiến Matxcơva e dè hơn cả. Có tới 200.000 người Trung Quốc làm việc ở Nga, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và sản xuất nhỏ.
Ông Krasinyev tuyên bố: “Tình hình tại biên giới với Trung Quốc đã vượt quá vòng kiểm soát do những người nhập cư trái phép. Nga cần tự bảo vệ mình”.
Còn giáo sư Vladimir Iontsev, chuyên gia nghiên cứu nhân khẩu học, nhận xét: “Để nhân công Trung Quốc đến đây với số lượng lớn thì có vẻ là một giải pháp, nhưng có đúng như vậy không? Hãy xem nước Nga khi đó có còn là nước Nga nữa hay không?”  
Minh Châu (theo Christian Science Monitor)

1gom