Nhập chuột hải ly sẽ là đại họa?

Tại chuồng nuôi những con vật lạ rộng đến chục mét vuông, một nửa là bể nước để những con vật bơi lội, một nửa làm sàn cho chúng lên ăn. Trông đúng là giống những con chuột cống. “Chúng hiền hơn lợn chuồng!”, ông Hưởng, Giám đốc Công ty Nấm Thiên Tân, chủ nhân của giống chuột hải ly, nói rồi ông thò hẳn tay vào khoang nước, nơi những con vật đang bơi, ông nhấc đuôi đưa lên một chú to hơn chuột cống ta thường thấy. Chân sau có màng như chân vịt. Ông Hưởng nói tiếp: “Đây là giống chuột hải ly, tôi đưa từ Trung Quốc về cả thảy 20 con đã gần một tháng! Mỗi con hiện giờ nặng khoảng 1,1-1,2 kg. Sau này, chúng lớn phát triển lên trọng lượng sẽ gấp 10 lần hiện nay. Bộ lông của chúng rất quý, lông đuôi để làm chỉ tự tiêu trong y tế. Nội tạng để làm thuốc. Nuôi chúng lãi sẽ rất cao”. Sau một hồi quan sát trực tiếp và được ông Hưởng thuyết minh thêm thì được biết 20 chú chuột hải ly này có nguồn gốc từ Nam Phi đã sang Trung Quốc và giờ đây, chúng là những chú chuột hải ly đầu tiên đến Việt Nam. Theo ông Hường, mới đây tại huyện Na Rì, Bắc Kạn, đã diễn ra hội thảo với chủ đề tìm lối ra cho nông dân, ông đã giới thiệu về loài chuột hải ly này và hứa sẽ cung cấp cho Na Rì… làm giống để phát triển kinh tế.
Theo Tiến sĩ Lương Tất Nhợ, Trưởng bộ Môn kinh tế và hệ thống chăn nuôi, Viện Nghiên cứu chăn nuôi, với thông tin do ông Hường cung cấp như chi 5 nghìn đồng tiền rau/ngày để chăn nuôi 20 con chuột hải ly thì rất đáng nghi ngờ về tính hiệu quả. Ông cho biết thêm, ở một số nước đã từng nuôi chuột hải ly, lúc đầu không phải lấy thịt mà để chúng tiêu diệt cỏ dại, vì chúng là loài gặm nhấm thực vật nên nếu vô tình ném chúng vào một môi trường trồng trọt ổn định, cũng có thể sẽ là tác nhân phá hoại hoa màu… Ông Nhợ nói: “Kiểu gì chúng vẫn là loài chuột, nên cần phải thận trọng nghiên cứu kỹ trước khi nhập đại trà về Việt Nam”.
Ngoài ông Nhợ, một số chuyên gia chăn nuôi cũng lo âu và thận trọng khi đưa ra nhận xét về việc nuôi chuột hải ly. Một nỗi lo lớn không phải vì nguy cơ không mang lại lợi ích kinh tế mà vì lo sợ sự tàn phá môi trường không lường được như ốc bươu vàng. Bài học về việc nhập động vật lạ vẫn còn nóng hổi như việc nhập một loài sâu cho chim cảnh ăn gần đây cũng thật là đại họa. Vì vậy, hiện nay có ý kiến đặt ra là nếu chưa nghiên cứu kỹ, mà bỗng mấy đôi chuột hải ly xổng ra khỏi chuồng tàn phá môi trường thì ai chịu trách nhiệm và chi phí cho việc tiêu diệt chúng ai sẽ chịu và hậu quả chúng gây ra chắc còn kinh khủng hơn… ốc bươu vàng!
(Theo Đầu Tư)

1gom