Báo cáo kế hoạch cải cách tư pháp

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói: “Yêu cầu cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp là một trong những đòi hỏi bức xúc hiện nay, là đòi hỏi tự thân của nền công lý và dân chủ…”.
Để thực hiện việc cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, trong năm 2002, Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan sửa đổi, bổ sung, thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (đã thực hiện); các pháp lệnh sửa đổi về tổ chức điều tra hình sự, tổ chức tòa án, VKS quân sự; pháp lệnh về thẩm phán và hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên. Đây là các văn bản liên quan trực tiếp đến việc cải cách hệ thống tư pháp.
Ngoài ra, trong năm nay, Quốc hội sẽ thông qua Luật Phá sản doanh nghiệp (sửa đổi), Pháp lệnh Giám định tư pháp, Pháp lệnh Trọng tài thương mại; các văn bản về giao dịch nhà ở có yếu tố nước ngoài xác lập trước ngày 1/7/1991, về bồi thường oan sai. Từ năm 2003 đến hết nhiệm kỳ khóa XI, Quốc hội sẽ ban hành mới Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự; sẽ có Luật Thi hành án cùng với một số văn bản pháp luật về bổ trợ tư pháp.
Kế hoạch của Bộ Công an trong năm 2002 là sáp nhập cơ quan an ninh điều tra với cảnh sát điều tra ở cấp tỉnh, thành lập lực lượng cảnh sát hỗ trợ hoạt động tư pháp (cảnh sát tư pháp). Trong quỹ IV năm nay, toàn ngành công an tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp; trường hợp chưa bảo đảm tiêu chuẩn, hạn chế về trình độ hoặc có biểu hiện vi phạm thì miễn nhiệm, chuyển công tác hoặc xử lý nghiêm khắc. Trong quý III, Bộ Công an hoàn tất đề án hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam với bị can ở một số tội; nghiên cứu thủ tục điều tra rút gọn với những vụ án đơn giản, phạm pháp quả tang… Ngoài ra, trong năm nay, Bộ còn chủ trì nghiên cứu xây dựng đề án thay đổi hình thức thi hành hình phạt tử hình, trình Chính phủ phê duyệt.
VKSND Tối cao sẽ chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đang thụ lý trước tháng 7/2002. Trong quý III, Viện chủ trì cùng các cơ quan tư pháp nghiên cứu, xây dựng chính sách và biện pháp đấu tranh, xử lý có hiệu quả với tội phạm tham nhũng. Lãnh đạo Viện tổng hợp tình hình thực hành quyền công tố của kiểm sát viên để rút kinh nghiệm, đề cao trách nhiệm của kiểm sát viên trong thẩm vấn, tranh luận tại tòa. Các trường hợp để xảy ra oan, sai từ năm 2001 trở về trước phải được kiểm điểm, xử lý dứt điểm trong quý I/2002. Cho đến tháng 6, VKS các tỉnh phải lập xong phòng kiểm sát thi hành án, mỗi huyện phải có một cán bộ chuyên trách công tác này.
Công việc chính của ngành tòa án khi triển khai Nghị quyết 08 là đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành theo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi, vừa được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, TAND Tối cao phải chuẩn bị tốt điều kiện để tăng thẩm quyền xét xử cho tòa cấp huyện. Đến năm 2005, các tòa cấp huyện có đủ thẩm phán, cơ sở vật chất để thực nhiệm nhiệm vụ. Riêng trong năm nay, TAND Tối cao sẽ lựa chọn để chỉ đạo tòa cấp tỉnh xét xử sơ thẩm 3 vụ án hình sự điểm, ở 3 miền để rút kinh nghiệm trong toàn ngành.
Bộ Tư pháp, ngoài việc kiện toàn các cơ quan tư pháp, còn có trách nhiệm nâng cao năng lực xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Trong quý II, Bộ phải toàn chỉnh Chiến lược xây dựng pháp luật 10 năm (2001-2010), trên cơ sở Đề án đánh giá nhu cầu phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong năm nay, Bộ phải hoàn thành đề án kiểm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và phương án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật từ trung ương đến địa phương. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao xây dựng đề án thành lập Học viện Tư pháp, nhằm thống nhất công tác đào tạo nghề cho các chức danh tư pháp, trình Chính phủ trong quý I/2003.
P.L.

1gom