Sẽ có cơ chế một giá trên thị trường bất động sản

– Vì sao Nhà nước cần áp dụng cơ chế một giá đối với các hoạt động giao dịch bất động sản?
– Trong đề án, chúng tôi kiến nghị Nhà nước áp dụng cơ chế một giá trong giao dịch bất động sản với các tổ chức, cá nhân như giao, bán, khoán, cho thuê bất động sản… với một ý hẹp hơn. Theo đó, giá bất động sản do Nhà nước quy định chỉ thấp hơn giá thị trường nhiều nhất khoảng 20%.
Việc áp dụng cơ chế một giá sẽ tạo nên môi trường bình đẳng, giản đơn, minh bạch trong quan hệ bất động sản, có lợi cho sự phát triển của thị trường này và tác động tích cực tới các thị trường khác.
– Để thực hiện cơ chế một giá trong giao dịch bất động sản, Nhà nước cần có những bước tiến hành như thế nào?
– Phải tiến hành làm thí điểm, ban hành các chính sách, cơ chế có liên quan. Bước quan trọng nhất là làm sao giảm được tình trạng mua bán trao tay, Nhà nước kiểm soát được ở mức độ cần thiết sự hoạt động của thị trường ngầm, tiến tới hạn chế nó.
Muốn làm được như vậy, cần sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, quyền sử dụng đất để người dân giao dịch công khai, minh bạch. Một biện pháp rất quan trọng nữa là phải cân bằng quan hệ cung – cầu về nhà, đất ở trong toàn bộ nền kinh tế.
– Việc định giá bất động sản nhà, đất sẽ phải tuân theo các phương pháp nào?
– Các loại giấy tờ bất động sản phải được coi là công cụ để quản lý, nhanh chóng hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; điều chỉnh lệ phí trước bạ ở mức chấp nhận được. Ngoài ra, thủ tục chuyển nhượng nhà, đất sẽ đơn giản hơn, hiện đại hóa khâu lưu trữ hồ sơ, tăng cường các hình thức cung cấp thông tin về nhà, đất.
Để có thông tin cho công tác quản lý, Nhà nước cần tổ chức thống kê biến động giá bất động sản ở những khu vực tiêu biểu như đã làm với giá vàng, đôla, hàng tiêu dùng. Hình thành các trung tâm định giá bất động sản theo hướng khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, kể cả người nước ngoài, hoạt động khách quan, chịu sự điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp.
Ngành tài chính, với tư cách là cơ quan nhà nước, xem xét, trình Chính phủ quyết định những loại giá, trong đó có giá bất động sản. Người mua sẽ thực hiện phương pháp đấu thầu. Về lâu dài, nên phát triển hình thức đấu thầu trong các hoạt động mua bán bất động sản, giao, cho thuê đất.
– Cùng với biện pháp thu hồi đất đã giao, Nhà nước còn phải tiến hành những biện pháp gì để có thêm quỹ đất phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa?
– Có hai biện pháp lớn cần làm một cách bài bản là: quy hoạch phát triển đô thị và giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Hiện nay, theo Tổng cục Thống kê, có tới 75% số diện tích nhà ở do dân tự làm, số còn lại do các tổ chức kinh doanh nhà ở xây dựng. Về lâu dài, các tổ chức kinh doanh nhà ở sẽ tiến tới cung cấp hầu hết diện tích nhà cho người có nhu cầu. Nhà nước chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách.
– Thị trường bất động sản của Việt Nam sẽ hoạt động theo mô hình nào, thưa ông?
– Hiến pháp và Luật Đất đai quy định việc Nhà nước có quyền giao đất, cho thuê đất, chính là đã công nhận nước ta có thị trường đất đai. Bản đề án trình Chính phủ lần này nhằm giải quyết những vấn đề về thị trường bất động sản một cách đồng bộ, cơ bản, lâu dài; thể hiện được yêu cầu việc giao đất, cho thuê đất của Nhà nước vừa thuận với quản lý nhà nước vừa thuận với thị trường ở mức sơ cấp. Tại thị trường này, Nhà nước là người duy nhất thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, theo đúng quy định của Hiến pháp. Những người đang sử dụng đất được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
(Theo SGGP)

1gom