Luật Đất đai: Bức xúc chồng lên bức xúc

Theo trình bày của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Bùi Xuân Sơn, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai phải: 1/ Bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý; 2/ Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc giao đất, cho thuê đất để địa phương chủ động triển khai các dự án đầu tư, nhằm cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; 3/ Sửa đổi, bổ sung những vấn đề mà thực tế cuộc sống đòi hỏi; 4/ Luật hóa các quy định của Chính phủ đã được cuộc sống chấp nhận, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đỗ Trọng Hải, Phó tổng giám đốc Investconsult Group, định hướng thứ 3 chưa đáp ứng được. Đó là những bức xúc liên quan đến đất từ đường, hương hỏa, đất của ông dân góp vào các tập đoàn sản xuất nay các tập đoàn này đã tan rã, đất đai trong quá trình cổ phần hóa, bán khoán, cho thuê DNNN, thị trường bất động sản… Luật Sửa đổi được thông qua kỳ này, theo ông Vũ Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, “mới chạm nhẹ” đến một số vấn đề về thẩm quyền giao đất, định giá đất đền bù giải phóng mặt bằng…
Theo phân tích của ông Hải, luật mới chưa chú ý đến tinh thần cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA), đặc biệt là nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia (NT). Cụ thể, theo khoản 3, Điều 2 Luật Sửa đổi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân cho thuê đất được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, quyền lợi của họ chỉ được đảm bảo bằng văn bản có giá trị dưới luật (pháp lệnh), thấp hơn so với cá nhân trong nước (được bảo vệ bằng Luật Đất đai). Cũng điều luật, nhà đầu tư là Việt kiều được mua nhà ở gắn liền đất, trong khi nhà đầu tư khác thì không. Những bất cập này có thể sẽ buộc Việt Nam phải sửa Luật Đất đai thêm lần nữa. Về điều này, trao đổi với phóng viên VnExpress, ông Tào Hữu Phùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội giải thích, đến nay, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua BTA và Việt Nam cũng vậy. Còn khi đã thông qua mà áp dụng thấy vướng, Quốc hội sẽ tiếp tục sửa luật và không chỉ sửa Luật Đất đai.
Phàn nàn của các doanh nghiệp tại cuộc hội thảo cho thấy, vướng mắc trong vấn đề đất đai không chỉ là ở luật, mà nặng nề hơn cả là trong tổ chức thực hiện. Điều này cũng được ông Bùi Xuân Sơn thừa nhận. Công ty TNHH Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương là nạn nhân điển hình. Dự án “Công viên – Nghĩa trang” của công ty, theo đó triển khai việc mai táng vệ sinh, văn hóa, áp dụng công nghệ mới của châu Âu (hóa sinh – mô phôi – y học và ứng xử tổ chức môi trường mai táng) đã có chứng nhận của Trung tâm Xử lý thi hài châu Âu. Đây là một dự án mang tính nhân văn, văn hóa, xã hội cao, mà theo luật là được khuyến khích. Thế nhưng, qua rất nhiều cuộc họp với các cơ quan chức năng Hà Nội, nhận được nhiều sự ủng hộ, khuyến khích, kể cả của Thủ tướng, Phó thủ tướng… nhưng không ai đứng ra cấp đất cho công ty và cũng chẳng có giải thích thỏa đáng. Hậu quả, đơn vị tư nhân này không hề được Nhà nước hỗ trợ, đã mất gần 3 tỷ đồng để chuyển giao công nghệ… nhưng cho đến nay dự án vẫn giẫm chân tại chỗ. Nguyên nhân là địa phương có đất, UBND huyện Từ Liêm, không đồng ý và lý do họ đưa ra cũng không rõ ràng, không có căn cứ pháp luật. Một trường hợp khác là ông Lê Khắc Triết ở Bắc Giang, có 3 dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, là loại được luật khuyến khích. Ông Triết cho biết, trong quá trình làm dự án, chính quyền chủ trì, doanh nghiệp “chủ chi”, ai cũng hoan nghênh, ủng hộ, nhưng chẳng ai dám cấp đất, dù là đồi trọc…
Theo đánh giá chung của ông Bùi Xuân Sơn, hai trường hợp điển hình trên, vướng mắc đều do sự yếu kém, không dám mạnh tay của địa phương. Bởi tất cả các dự án này đều thuộc diện cấp tỉnh, thành phố tự quyết được. Định hướng quan trọng của lần sửa đổi Luật Đất đai vừa rồi là nhằm cải cách hành chính, phân cấp mạnh, tạo điều kiện cho cấp tỉnh tự quyết. Tuy nhiên, mục đích này có đạt được hay không thì còn phải chờ. Bởi theo như lời ông Thái: “Hiện nay, đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân hay cá nhân không còn là mối quan tâm hàng đầu, khi mà pháp luật công nhận cho người sử dụng 5 quyền. Vấn đề còn vướng mắc là sự thiếu tôn trọng, can thiệp quá sâu của bộ máy hành chính vào 5 quyền đó”.
Nghĩa Nhân

1gom