Nguyên phó chủ tịch tỉnh Long An hầu tòa

Từ cuối năm 1996, Thái cùng vợ là Trần Thị Quý bắt đầu tổ chức dịch vụ đưa người đi nước ngoài thông qua trung tâm du học tại TP HCM. Đầu năm 1997, Thái ký được hợp đồng làm đại diện cho Trường Anh ngữ Australia (ACE) tuyển sinh đi du học, và từ đó, công khai thông báo giá đi Australia là 4.500 USD/người, Mỹ hoặc Canada là 7.000 USD/người. Đặc biệt, Thái còn tự đặt làm con dấu giả và hợp tác với các đối tượng khác để bổ sung những giấy tờ không có đủ cho các hồ sơ. Mỗi loại giấy tờ này có mức giá khác nhau: giấy tờ giả có dấu công chứng như khai sinh, hôn thú thì vài trăm nghìn đồng, văn bằng đại học thì 50 triệu đồng…
Sự tiếp tay của các cán bộ tỉnh, huyện ở Long An
Tháng 8/1999, Lâm Hiệp Nghĩa (nguyên giám đốc Bảo hiểm Xã hội quận 10, TP HCM) đưa Thái đến “làm việc” với ông Võ Văn Vừa (nguyên phó chủ tịch huyện Đức Hòa). Hai người nhận đưa con ông Vừa đi du học và qua đó nhận tiền đưa 22 thanh niên ở Đức Hòa đi Australia. Nhờ ông Vừa, những nông dân thứ thiệt này dễ dàng trở thành “cán bộ huyện được cử đi học”. Ông Vừa còn ký công văn gửi Lãnh sự quán Australia tại TP HCM xác nhận UBND huyện chi ngân sách 2 tỷ đồng để bảo trợ tài chính cho 22 “du học sinh” theo đúng quy định. Thái còn đưa Vừa và Phan Văn Dấu (tư cách đại diện tỉnh Long An) lên làm việc với Lãnh sự quán Australia, cam kết số thanh niên này là cán bộ nòng cốt của huyện… Cuối cùng 15 hồ sơ được cấp visa, 7 hồ sơ bị trả lại vì không đủ sức khỏe.
Sau đó, Thái tiếp tục nhận hồ sơ du học cho nhiều trường hợp khác nhưng Lãnh sự quán Australia không nhận, vì 15 du học sinh lần trước đã không đến trường học mà ở lại bất hợp pháp trên đâta nước này. Vụ đưa người trốn ra nước ngoài bị lột trần.
Những vẫn đề còn lại
13 người mà VKSND tỉnh Long An triệu tập ra tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hầu hết là cán bộ của VKS và UBND tỉnh. Họ đều liên quan đến vụ việc nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ trách nhiệm của từng người.
Tại cơ quan điều tra, vợ chồng Thái khai đã nhận 170 hồ sơ xin xuất cảnh, trong đó 52 hồ sơ đã thực hiện hoàn tất. Số tiền bất chính thu được từ dịch vụ này lên tới gần 300.000 USD. Hàng chục nghìn USD được chi hối lộ… nhưng hiện chưa rõ ai là người nhận số tiền này. Giúp cho việc đưa 22 người đi Australia còn phải kể đến Công văn số 790/CV-UB ngày 9/10/1998 do ông Nguyễn Thanh Tuấn (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Long An) ký với bút phê: “UBND tỉnh đồng ý đề nghị các cơ quan giúp đỡ làm thủ tục”. Chính dòng chữ này làm tê liệt việc kiểm tra nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn… Nhưng trong phiên tòa này, ông Tuấn chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vừa qua, ông này đã làm đơn xin từ chức và được HĐND tỉnh chấp thuận.
Trong phiên xét xử này, VKS truy tố Chu Huy Thái, Trần Thị Quý về các tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, làm giả con dấu, tài liệu; Phạm Văn Dầu (nguyên phó chủ tịch tỉnh) và Võ Văn Vừa, Nguyễn Văn Dẫn (nguyên trưởng Phòng Lao động huyện Đức Hòa) về tội tổ chức đưa người khác đi nước ngoài. 15 bị can khác cũng bị truy tố về các tội này.
(Theo Lao Động, Tuổi Trẻ, 20/3).

1gom