Một người biểu tình bị bắn chết bên ngoài Hội nghị G8

X
Xác người biểu tình.

Hàng nghìn người biểu tình chống toàn cầu hoá đánh lộn với cảnh sát nhiều giờ đồng hồ, trong khi lãnh đạo các nước giàu nhất thế giới và Nga đang họp bàn.
Giới chức Italia choáng váng trước tin trên và kêu gọi những người phản đối hãy rút khỏi trung tâm thành phố. Không khí cuộc họp trở nên u ám. Tổng thống Mỹ George W. Bush gọi cái chết là một “bi kịch”. Tổng thống Pháp, Jacques Chirac, thì phát biểu các tổ chức toàn cầu cần phải lắng nghe ý kiến của những người phản đối.
Các vụ đụng độ xảy ra cách lâu đài Palazzo Ducale, nơi diễn ra Hội nghị G8, chừng 1,5 km. Đám đông biểu tình mặc đồ đen, đập phá cửa kính, cướp các cửa hàng, đột nhập vào ngân hàng, bưu điện, cậy đá lát đường để nện vào cảnh sát. Đáp trả, cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng và nện dùi cui thẳng tay, khiến một số người máu chảy ròng ròng vì bị thương ở đầu. Theo các quan chức, hơn 50 người phản đối và ít nhất 30 cảnh sát đã bị thương.
Nội dung cuộc họp
Những cột khói vương vất trên bầu trời thành phố, trong lúc các nhà lãnh đạo G8 họp bàn sau hàng rào thép, bê tông và cảnh sát. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan cho biết G8 đã đồng ý lập một quỹ 1 tỷ USD để đấu tranh chống bệnh AIDS và các căn bệnh khác trên thế giới. Ông hoan nghênh cam kết này, nhưng cũng nhận xét là quỹ này cần những khoản góp lớn hơn nữa.
Các nhà lãnh đạo ở các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật và Mỹ nhận xét rằng tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới trong năm qua chậm hơn so với dự đoán và hứa hẹn sẽ “cảnh giác”.
Dường như để giảm bớt ấn tượng rằng đây là một “câu lạc bộ của người giàu”, các nguyên thủ quốc gia G8 đã dùng bữa với những người đứng đầu chính phủ của các nước đang phát triển tối qua. Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo đang ở Genoa để trình kế hoạch Sáng kiến châu Phi mới của họ. Ông Mbeki cảnh báo rằng châu Phi sẽ cần tối thiểu 10 tỷ USD để chống lại AIDS chỉ trong vòng 5 năm.
Minh Châu (theo BBC, Reuters)

1gom