Hoạ sĩ Quốc Huy muốn có danh hiệu để khẳng định mình

Tranh của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Huy.
Tranh của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Huy.

– Anh nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng anh là tay săn giải?
– Tôi chỉ nghĩ mình may mắn thôi. Thầy tôi là Đoàn Văn Nguyên ở ĐH Mỹ thuật có khuyên một điều mà chắc chắn không bao giờ tôi quên: “Cứ làm tranh với tất cả sự nghiêm túc, tử tế của nghề nghiệp thì chắc chắn mình sẽ được nhiều thứ, chứ không chỉ riêng có giải thưởng”.
Tôi tham gia tất cả các giải thưởng địa phương, khu vực rồi toàn quốc vì tôi là học sĩ trẻ, cần có những danh hiệu để khẳng định mình. Những người làm sơn mài thuần theo con đường truyền thống như tôi hiện nay chỉ còn có thể đếm được trên đầu ngón tay, nên tôi cảm thấy bị đơn độc. Ngay cả trong Hội đồng chấm giải thưởng quốc gia cũng hầu như thiếu vắng thành viên am hiểu sơn mài thứ thiệt, vì thế, tôi muốn tham gia các giải thưởng để bày tỏ bản thân và để còn có ai đó am tường sơn mài thấy rằng tôi không phải là hoạ sĩ tồi.
– Anh quan niệm thế nào về sự tử tế trong nghề?
– Bố tôi làm thợ ở một hợp tác xã sơn mài Nhà nước đến hàng chục năm. Tôi có may mắn tiếp nhận được một số tinh hoa nghề nghiệp để sáng tạo từ đó. Tôi tuân thủ các nguyên tắc của việc làm sơn mài theo truyền thống, không phải là dùng sơn hoá học Nhật Bản, không thêm những phụ liệu phá cách như sắt, vải, gạo… để trở thành hoạ sĩ cách tân. Tôi làm chậm, có bức đến 8 tháng mới xong, tự tôi làm tất cả, không có thợ phụ việc. Tôi ước mơ là trong đời, mình sẽ làm được một bức tranh mà đến hàng trăm năm sau, người ta vẫn thấy nó đẹp. Như thế thì chỉ có sơn mài truyền thống của cha ông ta mới bền được thôi.
– Cảm xúc của anh về giải mỹ thuật Asean vừa rồi?
– Tôi cảm ơn những ai ở trong nước đã tin tưởng vào chất lượng tranh của tôi. Đây là lần đầu tiên Ban giám khảo của giải này không có thành viên của các quốc gia Asean mà là thành viên đại diện cho tất cả các châu lục do Ban tổ chức mời. Khi chấm giải, các thông tin về tên hoạ sĩ, quốc tịch, tên tranh được giữ bí mật mà thay vào đó là mã số. Về hình thức, giải thưởng này có sự khách quan nhất định.
– Khi công bố giải thưởng khu vực, Ban giám khảo đã có lời nhận xét về tranh của anh như thế nào?
– Đại ý là: Chỉ với chất liệu hoàn toàn truyền thống, bức tranh đã thể hiện được một vấn đề của xã hội đương đại.
– Anh nhận xét gì về tranh của các đồng nghiệp trong khu vực?
– Tôi nhận ra là các hoạ sĩ nước ngoài hơn đứt nghệ sĩ Việt Nam về mặt ý tưởng, họ nói điều họ muốn nói một cách thẳng thắn, trực tiếp và giản dị chứ không có ẩn ý hay vòng vo như mình. Họ bộc lộ nhãn quan và thái độ xã hội của họ một cách rõ ràng. Thứ hai, tôi để ý các bức tranh đoạt giải thưởng lớn khu vực thường là những bức tranh thể hiện dự cảm lớn về tương lai tốt đẹp của xã hội loài người, vượt qua tất cả những mặt xấu, kém hay suy thoái. Trong khi đó, nói chung hoạ sĩ của ta chỉ dừng lại ở sự miêu tả hiện thực và cảnh báo hiện thực.
– Vẽ ít tranh có ảnh hướng tới thu nhập?
– Tôi có gia đình riêng khi mới là sinh viên năm thứ tư. Tốt nghiệp xong, tôi đã nộp đơn xin việc ở một cơ quan Nhà nước, nghĩa là đã xác định bỏ nghề. Trước hôm đi làm chỉ vài ngày, tôi may mắn bán được một bức tranh gửi ở một gallery nhỏ trong đền Quan Thánh. Thế là tôi sung sướng quá, nghĩ, vậy ra tranh của mình cũng bán được, thế thì ở nhà vẽ cho xong. Và ở nhà cho đến ngày hôm nay. Cuộc sống của tôi cũng mới tạm ổn thôi. Tôi bán tranh để sống nhưng không vì thế mà làm vội vàng cẩu thả.
(Theo Thể Thao – Văn Hoá)

1gom