Nhà đầu tư vẫn “đói” thông tin

c
Thông tin được công bố thường rất sơ sài.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) đã có những quy định về công bố thông tin của tổ chức phát hành. Theo đó, các tổ chức phát hành phải công bố thông tin định kỳ (kết quả hoạt động kinh doanh, vốn, doanh thu hàng quý, 6 tháng, năm) và thông tin tức thời (các thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu: hợp nhất, sáp nhập, chia tách cổ phiếu…). Thậm chí, UBCKNN còn quy định rõ thời hạn cung cấp thông tin định kỳ.
Nhưng thực tế cho thấy, các thông tin của tổ chức phát hành qua các báo cáo định kỳ đều khá sơ sài, có khi chỉ là số liệu, phần giải trình trong báo cáo tài chính thường không cụ thể. Mặt khác, thông tin định kỳ của nhiều tổ chức còn vi phạm về thời hạn công bố thông tin. Phải đến tháng 4 năm 2002, các nhà đầu tư mới có báo cáo tài chính năm 2001 của đa số tổ chức phát hành (quy định là tối đa 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính). Quy định báo cáo kinh doanh quý I năm 2002 phải được công bố trước 15 tháng 4 năm 2002 nhưng cũng chỉ có chưa đến 1/2 số lượng tổ chức phát hành thực hiện được yêu cầu này.
Tương tự, thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp hầu như không được chú trọng. Ở Việt Nam, chưa xây dựng được hệ thống số liệu thống kê, tổng kết đánh giá của từng ngành nghề, nên nhà đầu tư rất khó có căn cứ so sánh hoạt động của tổ chức phát hành với các đối thủ cạnh tranh với họ, cũng như tìm hiểu thị trường nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, khách hàng… của các tổ chức này.
Muốn có những thông tin về tình hình giao dịch chung của thị trường, lãi suất, tỷ giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế… các nhà đầu tư phải tự thu thập và đánh giá để phán đoán tình hình theo ý kiến chủ quan của mình. Mà điều này, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể thực hiện được.
(Theo Đầu tư Chứng khoán)

1gom