Vì sao nghệ thuật VN thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao?

m
Một cảnh trong vở tuồng Thái hậu Dương Vân Nga.

Đạo diễn – NSƯT Lê Hùng: Làm nghệ thuật cần phải có thời gian đầu tư. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cần được hỗ trợ kinh phí. Ví dụ, tôi muốn dựng vở Bão của Shakespeare, thì phải có cảnh sân khấu phủ đầy cát. Nhưng như vậy phải có 3 xe cam nhông chở cát, rồi có cửu vạn vác cát lên đổ trên sàn diễn. Điều này là không tưởng. Hoặc khi dựng Macbeth, cần phải có trống, nếu đặt làm mà chỉ diễn một lần rồi bỏ đi thì rất tốn kém. Như vậy, để có được tác phẩm đỉnh cao, nhà nước phải đầu tư nhiều hơn, về con người và cả vật chất.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Phải khẳng định rằng một tác phẩm đỉnh cao không thể có từ người không có tài, ngay cả khi anh giữ vai trò nọ, kia. Nhìn nhận người tài là vấn đề số một để đầu tư cho trúng.
Nhà văn Hữu Thỉnh: Tác phẩm đỉnh cao là sáng tác mà ai cũng thấy hay và cảm thấy có phần mình trong đó. Tác phẩm hay phải là sự kết tinh đẹp đẽ tài năng và tâm huyết nhà văn, là những khám phá nghệ thuật chưa từng có và không sợ thử thách của thời gian.
Nền văn học của chúng ta chưa có tác phẩm hay là lỗi của nhà văn. Mọi giải pháp phải bắt đầu từ nhà văn. Tuy nhiên, để giúp nhà văn trong lao động sáng tạo đầy khó khăn thì nhà nước cần tiếp tục đầu tư tương xứng và môi trường sáng tạo cởi mở, tin cậy.
Nhà văn, tiến sĩ Natalia Kraevskaia, chủ Salon Natasha tại Hà Nội: Hiện nay, đối tượng của thị trường mỹ thuật chủ yếu là những người nước ngoài. Đó là các nhà ngoại giao, thương gia đang sinh sống tại VN. Những người này quyết định nghệ sĩ phải vẽ cái gì để bán được tranh và điều này gây ảnh hưởng rất tiêu cực.
(Theo Văn Hóa)

1gom