Tìm được cách đi riêng là nắm chắc phần thắng

s
Trong những chiếc tivi màn hình phẳng Wega có những linh kiện của Bình Hòa.

Ông Trần Thanh Lưu, Phó giám đốc Tổng công ty Điện tử tin học, đồng thời là Giám đốc công ty, cho biết hiện công ty đang là nhà cung cấp hàng chục loại linh kiện điện tử như cuộn cảm Choike, bo mạch chức năng, biến thế… cho 9 hãng điện tử lớn trên thế giới, với trị giá gia công 300.000 USD/tháng. Điện tử Bình Hòa cũng là công ty điện tử duy nhất trong nước có doanh số xuất khẩu năm 2001 dự kiến đạt 25 triệu USD.
Đầu năm 90, hầu hết các doanh nghiệp điện tử trong nước đổ xô đi liên doanh với các hãng điện tử nước ngoài để tự cứu. Điện tử Thủ Đức với Matshushita, Hitachi; Tân Bình với JVC, điện tử quận 10 với Samsung, còn điện tử Bình Hòa vẫn trung thành với con đường tự lực cánh sinh. Ông Lưu nhìn nhận, các công ty nước ngoài vào Việt Nam với hai mục đích là chiếm thị trường và sử dụng lao động rẻ. Mình liên doanh mà không có gì trong tay trước sau gì cũng bị chèn ép, thua thiệt. Vậy tại sao lại không tận dụng lực lượng lao động lao động sẵn có để làm gia công?
Là con người hành động, ông Lưu đã cùng đồng sự vất vả, lăn lộn với các công ty điện tử nước ngoài có mặt ở Việt Nam. Năm 1992, hợp đồng gia công trị giá 10.000 USD/tháng đầu tiên được thực hiện. Với hợp đồng này điện tử Bình Hòa chiếm ngay được lòng tin của khách hàng bởi chất lượng sản phẩm không thua kém gì hàng nhập, giao hàng đúng hạn và cung cách làm việc đầy trách nhiệm.
“Hữu xạ tự nhiên hương” tiếng tăm của Bình Hòa được nhiều công ty điện tử lớn biết đến, thu hút ngày càng nhiều đơn hàng và từ vài ba chủng loại sản phẩm đã tăng lên hàng chục loại, công nhân làm quanh năm không hết việc. Từ chỗ chỉ gia công đơn thuần, qua học tập được trình độ công nghệ, tích lũy được vốn, Bình Hòa dần chuyển sang nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bán cho khách hàng như sản xuất bo mạch cung cấp cho các tập đoàn điện tử quốc tế.
Để sản xuất các linh kiện phức tạp, công ty là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước nhập dây chuyền công nghệ lắp ráp bề mặt để sản xuất các bo mạch chức năng, đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe của các công ty điện tử nước ngoài. Hiện mỗi năm công ty Bình Hòa cung cấp cho các hãng điện tử nổi tiếng trên thế giới như Sony, Toshiba, JVC và các doanh nghiệp trong khu chế xuất 5 triệu bo mạch điện tử chức năng các loại, 2 triệu biến thế, 5 triệu cuộn cảm choike coil và 500 nghìn máy nhắn tin.
Theo ông Lưu, đến nay Bình Hòa đã có đủ tiềm lực để tiến thêm một bước: tự thiết kế, chế tạo sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam xuất khẩu.
Công Nghiệp

1gom