Giấc mơ trường quay của VN bao giờ thành hiện thực?

Nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh khẳng định: “Việc xây dựng trường quay hiện đại cho điện ảnh là việc nên làm. Có điều, trong hoàn cảnh hiện tại của điện ảnh nước ta, số đầu phim sản xuất hàng năm quá ít, đội ngũ làm nghề chưa được đào tạo nâng cao, trong lúc chưa có đội ngũ kế cận thông thạo công nghệ làm phim hiện đại, thì việc xây trường quay là chưa cần thiết”.
Đạo diễn Lê Đức Tiến, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng: “Cần phải có trường quay nhưng không nên đặt tại Cổ Loa. Bởi Cổ Loa có địa hình đơn giản, có thể đáp ứng được phần quay nội cảnh và những bối cảnh của đồng bằng nhưng nếu phim đòi hỏi những bối cảnh phức tạp hơn, như: rừng, núi, suối v.v… thì lại phải tìm kiếm cảnh ở nơi khác. Theo tôi, trường quay cần một khu đất rộng, khoảng trên 1.000ha, có đủ cảnh đồng bằng, sông, núi v.v… Chúng tôi đã nghĩ đến Xuân Mai và khu vực chân núi Tam Đảo. Nếu có được một khu đất như vậy, điện ảnh kết hợp với du lịch, khoanh vùng, trồng rừng, nuôi ngựa chiến, thả voi chuẩn bị cơ sở vật chất cho các phim có đề tài dã sử, đồng thời thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Nếu trường quay đặt tại Cổ Loa, những cảnh chiến trận hoành tráng trong phim dã sử, chiến tranh sẽ thực hiện ở đâu, hay lại phải kéo nhau lên rừng như trước đây? Không phải vô cớ mà các đoàn làm phim Pháp khi sang VN làm phim đều chọn cảnh tại Xuân Mai. Chúng tôi đã nghĩ đến tính thực dụng của trường quay khi đưa Xuân Mai vào tầm ngắm”.
Ông Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật điện ảnh VN, đồng thời cũng là người được giao viết đề án khả thi cho dự án trường quay Cổ Loa đã phân tích những thuận lợi của việc chọn khu này để cải tạo, nâng cấp. Theo ông, hạ tầng cơ sở ở đây đã có sẵn, gồm 1 nhà máy nước, 3 giếng khoan, 1 bể chứa khoảng 1.000 m3 và 3 trạm điện với tổng công suất khoảng 1.000 KW. Ông khẳng định: “Việc chọn một khu đất để làm trường quay như ý tưởng của đạo diễn Lê Đức Tiến cũng có lý. Nhưng nó chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện thời của điện ảnh nước ta. Bởi sẽ phải giải đáp bài toán ai trông coi khu trường quay rộng lớn cách xa Hà Nội vài chục km? Nếu nuôi ngựa, thả voi thì kinh phí đâu để nuôi chúng? Ai trả tiền cho những người làm nhiệm vụ coi sóc và chăn nuôi tại trường quay này? Với số đầu phim ít như hiện nay, không phải phim nào cũng đòi hỏi bối cảnh rừng, núi thì liệu khu trường quay dựa vào bối cảnh có sẵn của thiên nhiên có trở thành hoang phế ?”
(Theo SGGP)

1gom