Lý Huỳnh làm phim vì niềm đam mê của cả gia đình

Đạo diễn Lý Huỳnh.
Đạo diễn Lý Huỳnh (trái) đang chỉ đạo tại trường quay.

– Cơ duyên nào đưa ông đến với điện ảnh?
– Tôi bước vào lĩnh vực điện ảnh do một sự tình cờ đến bất ngờ. Năm 1970, giới làm phim Hong Kong sang Việt Nam hợp tác với đạo diễn Trần Quốc Bình sản xuất phim Long hổ sát đấu. Trong phim này, vai sư huynh Vũ Hùng là một võ sư, vì thế đạo diễn Hàn Anh Kiệt (Hong Kong) đã vào các lò võ tìm kiếm diễn viên và tôi là người được chọn, từ vai diễn đó mà tôi gắn bó với điện ảnh đến nay gần 40 năm.
– Võ nghệ đã giúp gì cho ông khi tiếp cận với điện ảnh?
– Các vai tôi tham gia đều có cá tính mạnh, vì vậy võ thuật đã góp phần 50% khi vai diễn đó thành công. Theo tôi, những tố chất của võ thuật như ngoại hình, nghĩa khí hào hiệp của tinh thần thượng võ, cộng với cách diễn tả tâm lý nhân vật sâu sắc đã giúp tôi rất nhiều khi tham gia vào các vai anh hùng theo kiểu Lương Sơn Bạc.
– Vai diễn nào để lại ấn tượng với ông?
– Trước năm 1975, tôi tham gia rất nhiều phim võ thuật như Quái nữ việt quyền đạo, 19 bậc thềm, Máu kiếm rửa hận thù… và được khán giả yêu mến vì đã đạt thế võ và đưa tinh hoa võ thuật Việt Nam vào phim. 6 tháng sau ngày giải phóng, đạo diễn Khương Mễ đã chọn tôi vào vai đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp, tiếp theo là vai đại uý Long trong Mùa gió chướng. Sau hai vai diễn này, chỉ trong một thời gian không dài tôi đã đóng hàng loạt vai tướng tá chế độ cũ trong 12 bộ phim.
Một bước ngoặt đến với tôi khi đạo diễn Hồng Sến chọn tôi vào vai ông Hai Lúa (Vùng gió xoáy), một nhân vật rặt Nam Bộ, bộc trực, tính tình cương nghị, thẳng thắn. Mới đầu, tôi từ chối, sợ hư phim của ông bởi lẽ gốc gác tôi không phải nông dân, không hiểu nhiều về nghề nông và trước nay tôi chưa bao giờ đóng vai nông dân. Nhưng đạo diễn Hồng Sến khẳng định “Lý Huỳnh sẽ đóng được”. Thế là, vai diễn này đem đến cho tôi Huy chương vàng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6.
– Với kinh nghiệm của mình, ông có cái nhìn thế nào về thế hệ diễn viên trẻ sau này?
– Họ chưa có được những nhân vật hay để diễn như trung uý Phương (Nổi gió), Ba Duy (Mối tình đầu), Hai Lúa (Vùng gió xoáy) và Nguyễn Thành Luân (Ván bài lật ngửa) như thế hệ diễn viên chúng tôi. Khả năng diễn xuất sẽ bị giới hạn khi không có nhân vật hay trong một kịch bản xuất sắc, đó là một thiệt thòi. Nhưng ngược lại, diễn viên trẻ ngày nay có quá nhiều thuận lợi mà họ chưa tận dụng hết cơ hội, không khổ luyện như thời chúng tôi.
– Ông thích vai trò diễn viên, đạo diễn hay nhà sản xuất hơn?
– Cả ba đều đem đến niềm vui và gắn bó suốt cả cuộc đời tôi. Nghiệp diễn viên đã giúp rất nhiều khi tôi làm đạo diễn, nắm bắt tâm lý diễn xuất của ê kíp diễn viên và chính xác trong chỉ đạo diễn xuất. Bước vào lĩnh vực sản xuất, tôi muốn sản xuất phim võ thuật vì bấy lâu điện ảnh Việt Nam rất ít và hầu như không làm phim loại này. Người có vai trò rất quan trọng với tôi là vợ tôi. Trước kia mỗi lần thượng đài đấu võ, bà ấy đều có mặt để cổ vũ, sau này khi đóng phim, bà luôn có mặt tại phim trường.
(Theo Thanh Niên)

1gom