Vòng đàm phán mới về biên giới Trung – Ấn

Đường biên giới chung dài hơn 4.000 km giữa Ấn Độ và Trung Quốc là nguyên nhân gây tranh cãi đôi bên trong suốt mấy thập kỷ qua. Trong lần đàm phán trước, các chuyên gia đã trao đổi bản đồ thể hiện quan điểm của mình ở đoạn dễ đạt được thoả thuận nhất, dài khoảng 600 km. Những bản đồ này sẽ được coi là cơ sở cho cuộc thương lượng.
Năm ngoái, quan hệ Trung – Ấn cũng đã có dấu hiệu tiến bộ, khi lãnh đạo hai nước láng giềng tỏ ý sẵn sàng cùng nhau giải quyết các tranh chấp còn tồn tại. Bất bình của Bắc Kinh trước vụ thử hạt nhân của Ấn Độ dường như đã lắng xuống. Các cuộc viếng thăm cấp cao được nối lại. Hai bên thậm chí tiến đến gần một quan hệ đồng minh chiến lược.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Bush đã thổi một luồng hơi lạnh vào quan hệ láng giềng Trung – Ấn đang được cải thiện. Khi Washington thông báo về kế hoạch lá chắn tên lửa gây nhiều tranh cãi, New Dehli đón nhận một cách nhiệt thành trong khi Bắc Kinh phản đối kịch liệt. Sự khác biệt về cách tiếp cận làm nảy sinh những nghi ngờ lẫn nhau đẩy quan hệ hai bên lại thời kỳ băng giá.
Giờ đây, với vòng đàm phán biên giới mới, quan hệ Trung – Ấn lại ấm dần. Tất nhiên, hoạch định biên giới không phải là nội dung chính mà cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước đề cập tới. Nhưng đây là bước tiến ban đầu.
Với Trung Quốc, thị trường Ấn Độ đang lớn nhanh tỏ ra vô cùng hấp dẫn. Hơn nữa, quan hệ đồng minh gần gụi với New Dehli có thể được xem như một trục sức mạnh khu vực đối trọng với Mỹ.
Còn New Dehli từ lâu vẫn nghi ngờ Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Pakistan. Nhưng với việc Ấn Độ và Pakistan đang chuẩn bị một cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, thì vấn đề này không còn gay gắt như trước. Rất nhiều người Ấn cho rằng các dự án song phương và quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ là một cách giúp Ấn Độ phát triển ngành công nghiệp chế tạo.
Xét về chiến lược lâu dài, hai bên sẽ cùng có lợi.
H.F. (theo BBC, 28/6)

1gom