Nghi vấn quanh cái chết của một công nhân bốc dỡ

Sự việc xảy ra ngày 14/12/2000. Anh Nguyễn Văn Đoàn, Tổ trưởng tổ xếp dỡ của anh Tấn kể lại: “Lúc đó Tấn bước từ rơ móc xuống, vịn tay vào băng tải, và bất ngờ té xuống đất. Tưởng Tấn chọc anh em, tôi nắm chân lôi dậy. Mới chạm vào chân Tấn, tay tôi bị giật tê. Phát hiện Tấn bị điện giật, anh em trong tổ vội ngắt điện vào băng tải và đưa ra ngoài làm hô hấp, kêu cấp cứu, nhưng không kịp”.
Cơ quan công an, đoàn thanh tra lao động tỉnh đã tiến hành giám định pháp y và kết luận nguyên nhân gây ra cái chết cho anh Tấn là ’’sức khỏe không tốt, có bệnh lý mà không được khám’’. Ông Lê Hồng Mến, Trưởng đoàn điều tra tai nạn cho biết đoàn đã kiểm tra hệ thống băng tải nhưng không phát hiện tình trạng rò rỉ điện.
Gia đình nạn nhân cho rằng nguyên nhân cái chết của anh Tấn là do điện giật nên phát đơn khiếu nại.
Còn nhiều mập mờ
Theo luật định, đối với các tai nạn gây chết người, hiện trường phải được niêm phong ngay lập tức để các cơ quan chức năng xuống làm việc. Tuy nhiên, thời gian từ khi xảy ra tai nạn đến lúc khám nghiệm hiện trường cách nhau tới hơn 10 tiếng. Hiện trường lại có nhiều thay đổi vì lúc đó những người có mặt chỉ nghĩ tới việc cấp cứu nạn nhân. Theo anh Đoàn và các công nhân cùng tổ, sau khi sự việc xảy ra đã có nhân viên bảo trì vào ’’làm cái gì đó’’ tại băng tải.
Mặt khác, trong khi ông Lê Hồng Mến khẳng định hệ thống băng tải không hề bị rò rỉ điện, thì trong công văn của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gửi tổ giám định pháp y TP HCM nhờ làm xét nghiệm vi thể lại ghi: ’’Qua điều tra ban đầu, do nước mưa nên điện từ môbin nhiễm khắp băng truyền’’.
Vợ của nạn nhân cho biết chị quyết tâm khiếu nại đến cùng. “Không phải tiền bồi thường nhiều hay ít mà phải làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng tôi”, chị nói.
(Theo Tuổi Trẻ)

1gom