Một hộ dân lấn chiếm đất chống lệnh cưỡng chế

vbn
Phụ nữ và người già đã ngăn cản chính quyền.

Đội viên cưỡng chế đầu tiên vừa cầm cuốc chim xông vào thì một phụ nữ đã giật lấy cuốc, mở màn cho một đợt lăn xả của vài chục phụ nữ và người già. Tiếng khóc lóc ầm ĩ. Nhiều phụ nữ đã phấn khích chửi bới om sòm. Họ nói: “Chúng tôi đang khiếu nại lên cấp trên chờ giải quyết…”. Đội cưỡng chế vẫn thi hành nhiệm vụ. Xô xát đã xảy ra, một phụ nữ bị cán cuốc văng vào mặt, tím bầm, một phụ nữ khác kiệt sức ngất xỉu. Các cụ già, đứng còn chẳng vững, nhưng vẫn quyết tâm ngăn cản dỡ chuồng lợn của ông Đức.
Cả công an, Đội Quản lý xây dựng đô thị với đủ trang bị mũ bảo hiểm, dùi cui điện đã chịu thua. Họ kéo lên đê ngồi hàng dài. Trời sầm sập đổ mưa, đoàn cưỡng chế lên xe rút lui.

nha-ong-duc1-1348584298_480x0.jpg
Phần đất hơn 400 m2 lấn chiếm của nhà ông Đức.

Sự việc bắt đầu từ năm ngoái, một số công dân đã gửi đơn kiện lên UBND xã Cổ Bi yêu cầu xem xét việc ông Đinh Văn Đức đã lấn chiếm đất công: Gia đình ông Đức đang sử dụng 412 m2 đất nông nghiệp, trong đó có một phần diện tích nằm trong hành lang bảo vệ đê điều. Sau đó, ngày 25/9/2000, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi 412 m2 đất trên. Ông Đức khiếu nại, nhưng UBND đã có công văn bác bỏ đơn khiếu nại đó.
Ông Đức đã không đồng ý với cách giải quyết của xã và huyện nên ông không tự tháo dỡ các công trình thuộc diện đất thu hồi (gồm 1 dãy chuồng lợn và 3/4 gian nhà đặt máy xay xát). Ngày 12/7, UBND huyện Gia Lâm phải ra tiếp Quyết định về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trên diện tích đất thu hồi. Trước sự ngoan cố của ông Đức, UBND huyện Gia Lâm đã phải ra thông báo cưỡng chế thu hồi đất (ngày 9/8) và thực hiện vào ngày 10/8, nhưng đã vấp phải sự phản kháng như đã kể trên.
Trả lời phóng viên VnExpress, ông Vũ Đức Bảo, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, giải thích, ông ngỡ ngàng trước sự phản kháng mạnh mẽ của người dân bởi tất cả các thủ tục đều được UBND huyện làm rất đúng luật. Thực chất, đây là một việc giải quyết chưa khéo. Huyện đã đề xuất với xã thoả thuận với gia đình ông Đức cho ông thuê lại diện tích đất trước kia ông lấn chiếm sau khi đã giải toả, nhưng xã không nghe. Ngoài ra, ông Bảo còn viện dẫn một số cái sai của xã. Đó là trước kia, khi ông Đức đổ đất lấp ao, chính quyền xã đã không ngăn cản, sau đó còn bắt ông Đức nộp thuế đất nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Cổ Bi, đơn vị trực tiếp tổ chức cưỡng chế, cho rằng mọi việc chính quyền xã làm đều theo Quyết định của UBND huyện Gia Lâm. Trước kia, xã đã làm kế hoạch xin phép huyện cho ông Đức thuê lại phần đất nông nghiệp mà ông đã có công san lấp, cải tạo trước kia, nhưng huyện không đồng ý. Ông Thiện cũng kiến nghị, huyện cần khéo hơn trong cách giải quyết, bởi nếu người dân sai thì phải giải thích cho người ta hiểu.
Anh Tuấn

1gom