Nga – Mỹ: Căng thẳng từ trước vụ trục xuất

Theo New York Times, trục xuất các nhà ngoại giao nước ngoài, để trả đũa cho một vụ tình báo, là một thông lệ quốc tế. Vì vậy, sau khi bắt Robert Hanssen, một nhân viên FBI bị buộc tội làm điệp viên cho Matxcơva, không có gì đáng ngạc nhiên, khi Chính quyền Bush trục xuất một số nhà ngoại giao Nga. Điều khác thường là ở con số. 50 nhà ngoại giao, con số lớn nhất kể từ năm 1986, khi Tổng thống Ronald Reagan ra lệnh cho 80 nhà ngoại giao Liên Xô rời Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi xảy ra vụ trục xuất, giữa Nga và Mỹ đã có hàng loạt bất đồng, tính từ lúc Tổng thống Bush lên nhậm chức: kế hoạch Phòng thủ Tên lửa Quốc gia(NMD) của Mỹ, đề xuất mở rộng của NATO, việc Nga bán vũ khí cho Iran …
Theo Washington Post, nhiều nhà lãnh đạo chính trị Nga cho rằng việc trả đũa tình báo chẳng qua là cái cớ để Chính quyền Bush huỷ bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo 1972 và bắt đầu một thời kỳ đối dầu hạt nhân, như ông Viktor Pokhmelkin, lãnh đạo Liên minh các Lực lượng Cánh hữu nhận xét. Ông Dmitri Rogozin, người đứng đầu Uỷ ban các vấn đề quốc tế trong viện Duma cũng đồng ý: “Họ đang gây sức ép để chúng tôi chấp nhận kế hoạch NMD của họ”.
Cho dù ý định của ông Bush là gì, nhưng những lời bình luận này cũng cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi đến mức nào, kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga theo đuổi một nền kinh tế thị trường và Mỹ hăm hở hô hào ủng hộ.
Khi Tổng thống Putin, một cựu nhân viên KGB, lên nắm quyền và đưa ra những chính sách mang tính dân tộc hơn: như vận động cho việc chống kế hoạch NMD, chống lại ý tưởng thế giới đơn cực với Mỹ là siêu cường duy nhất, tình hình vẫn chưa có gì đáng ngại. Tiếp đó là sự kiện Chính quyền Nga kết án Edmund Pope, công dân Mỹ đầu tiên bị kết tội làm gián điệp kể từ năm 1960. Nhưng rồi, Tổng thống Putin cũng ân xá cho ông này.
Tình hình thực sự thay đổi, khi Chính quyền Bush lên nắm quyền. Hai lần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld gọi Nga là “nước phổ biến” vũ khí hạt nhân. Giám đốc CIA, George J. Tenet coi Nga là mối đe doạ tới sự hoà hợp trong Quốc hội Mỹ. Ngay cả các bài thuyết giảng dân chủ, vốn đặc trưng cho thời kỳ của Tổng thống Clinton, cũng không giảm bớt, khi Ngoại trưởng Mỹ Colin Powells kêu gọi Nga ngừng việc chống mạng lưới truyền hình tư nhân.
Thay đổi trong quan điểm của Mỹ
Theo tờ Economist, dường như Washington không còn coi Nga là một nước có vai trò thật sự quan trọng. Dân số (145 triệu) ngang hàng với Pakistan (138 triệu), Indonesia (213 triệu) và Nigeria (112 triệu). Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 1999 (185 tỷ USD) lớn hơn Phần Lan (129 tỷ USD) nhưng thua xa Hàn Quốc (407 tỷ USD). Chính quyền Clinton đã bỏ qua những nhược điểm này, mong muốn một cường quốc xưa kia thành một đồng minh phồn vinh, thân thiện. Còn cách nghĩ mang tính thực tế của Chính quyền Bush, do Cố vấn An ninh Condaleeza Rice khởi xướng, là Nga, một nước có nền kinh tế yếu kém triền miên, sẽ không bao giờ trở nên thật sự thân thiện. Theo họ, Nga chỉ là một cường quốc theo nghĩa hẹp nhất về quân sự mà thôi.
Chính vì vậy, các quan chức Mỹ sẵn sàng tỏ ra cứng rắn ở những vấn đề mà họ cho là quan trọng. Ví dụ điển hình nhất là kế hoạch của Tổng thống Bush muốn xây dựng hệ thống NMD. Trước kia, Tổng thống Clinton đã dẹp tất cả những ý tưởng này, khi Nga cho rằng kế hoạch vi phạm Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo 1972. Giờ đây, Mỹ phớt lờ tất cả những e ngại của Nga. Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Sergey Ivanov, đến Washington mà không thể giành được một cuộc gặp sớm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Bush.
Tất cả những điều này đã gây một áp lực rất lớn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một mặt, ông phải tìm cách thiết lập uy tín và quyền lực của các cấp Chính phủ ở Nga, ưu tiên hàng đầu của ông. Mặt khác, ông cần phải có những mối quan hệ tốt với phương Tây, vì những nguyên nhân chính trị cũng như kinh tế.
Dù gì đi chăng nữa, tình hình đã khác xa rất nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mỹ và Nga giờ đây có nhiều mối ràng buộc về kinh tế (ước tính trị giá 8,3 tỷ USD), cũng như cả một mạng lưới liên lạc về văn hoá, học vấn cũng như cá nhân. Gió lạnh đang thổi giữa Washington và Matxcơva, nhưng Chiến tranh Lạnh vẫn còn xa lắm.
Minh Châu

1gom