‘Pháp luật bó tay các trọng tài kinh tế’

Theo báo cáo của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trong các năm1998-2001, Trung tâm thụ lý chỉ tổng cộng có 74 vụ, dù Chính phủ đã cho phép mở rộng thẩm quyền sang giải quyết cả các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh trong nước. Theo tiến sĩ Hà Hùng Cường, đây là tình trạng chung của cả 5 trung tâm trọng tài kinh tế còn lại trên cả nước.

Bà Phạm Chi Lan, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp (VCCI): “Ý thức pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam còn kém nên khi ký kết hợp đồng không rõ ràng trong điều khoản thoả thuận về nơi giải quyết khi có tranh chấp. Vì vậy, nhiều trường hợp các Trung tâm trọng tài không có cơ sở để thụ lý vụ kiện của các đương sự”.

Nguyên nhân chủ yếu, theo Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Hưng, là do cơ sở pháp lý chủ yếu cho hoạt động tố tụng trọng tài là Nghị định 116/CP, được ban hành từ năm 1994, còn “mang màu sắc bao cấp”. Cụ thể, hoạt động trọng tài chỉ được tổ chức cứng nhắc dưới hình thức trung tâm, thiếu các quy định hỗ trợ tố tụng như kê biên tài sản, bảo toàn chứng cứ, chế tài xử lý những trường hợp không thực hiện phán quyết của trọng tài…
Thủ tục tố tụng cần quy định cụ thể, nhưng Nghị định 116 chỉ vẻn vẹn có 33 điều, quy định từ vấn đề thành lập trung tâm, quyền nghĩa vụ của các bên tranh chấp, của trọng tài viên, đến hiệu lực của quyết định trọng tài…
Vấn đề đặt ra hiện nay là, khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài sẽ nhiều hơn, vì thế, khung pháp lý về trọng tài thương mại sẽ phải được củng cố, tuân thủ các quy định chung của WTO.
Đáp ứng yêu cầu này, Hội Luật gia đang tiến hành xây dựng Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Theo dự thảo 6, hình thức giải quyết tranh chấp sẽ linh hoạt hơn. Ngoài hình thức Ủy ban trọng tài do Trung tâm trọng tài kinh tế quốc tế tổ chức như hiện nay, các bên có thể tự thành lập Ủy ban giải quyết tranh chấp của mình. Đương sự còn có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa tài sản tranh chấp, bảo toàn chứng cứ trong trường hợp chứng cứ bị tiêu hủy.
Phán quyết trọng tài cũng được đảm bảo hiệu lực bởi các bên có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định cho thi hành theo quy định chung về thi hành án dân sự. Khi nhận được đơn yêu cầu thi hàng phán quyết của đương sự, tòa không xét lại vụ tranh chấp mà chỉ kiểm tra nội dung, hình thức quyết định của Trọng tài. Nếu thấy phù hợp với các quy định của pháp luật về trọng tài thì ra quyết định cho thi hành.
Nghĩa Nhân

1gom