Đề xuất mới cho Hội nghị Chống Phân biệt Chủng tộc

k
Phái đoàn Israel bỏ hội nghị về nước.

Sau khi phái đoàn Mỹ và Israel bỏ cuộc họp về nước, EU không công khai bênh vực Mỹ, nhưng nói rõ rằng họ phản đối việc các nước tham dự biến Israel thành mục tiêu công kích. Ngay cả Đại hội Dân tộc Phi, đảng cầm quyền ở Nam Phi, từ lâu đã coi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là người đồng chí trong cuộc đấu tranh chống các thế lực cai trị, cũng kêu gọi tinh thần khoan nhượng. Họ đang cố thuyết phục các nước chấp nhận văn bản dự thảo mới của hội nghị.
Mỹ làm dấy lên một làn sóng công phẫn
Nam Phi và các nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi đã công kích Mỹ bằng những lời lẽ rất nặng nề, cho rằng Washington chỉ kiếm cớ để tránh phải nghe hội nghị bàn đến những vấn đề khó chịu như bồi thường cho các nước nạn nhân của chế độ nô lệ (trong quá khứ, Mỹ vốn là một trong những quốc gia buôn nô lệ).
Phó tổng thống Nam Phi Jacob Zuma khẳng định các nước Ảrập có quyền đưa vấn đề quan hệ Palestine – Israel ra hội nghị: “Mỹ không thể luôn giữ giọng điệu của mình. Ngôn ngữ trong các văn bản của hội nghị này làm họ khó chịu, nhưng thế giới đã thay đổi rồi. Họ không thể hành động cứ như thể mình là ông chủ được nữa”.
Trong khi đó, tại Washington, phát ngôn viên của Nhà Trắng Ari Fleischer phát biểu: “Thật đáng tiếc là cuộc họp đã đi đến chỗ buộc Mỹ và Israel không còn sự lựa chọn nào khác ngoài ra về”. Khi được hỏi liệu hội nghị lần này của LHQ có bị chủ nghĩa bài Do Thái chi phối không, ông không trả lời trực tiếp mà chỉ nói: “Mục đích của cuộc họp là đấu tranh chống thái độ không khoan nhượng, nhưng ngôn ngữ mà họ dùng để nói về Israel thì bộc lộ rõ thái độ đó”.
Nội dung đoạn văn bản làm Mỹ và Israel không vừa lòng
“Chúng tôi thể hiện mối quan ngại lớn nhất về các biểu hiện của nạn phân biệt đối xử nhằm vào người Palestine trong những vùng lãnh thổ Ảrập bị Israel chiếm đóng. Hành động phân biệt đó có ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng Ảrập, khiến họ không được hưởng những quyền lợi cơ bản nhất. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt tất cả những biểu hiện của chủ nghĩa phân biệt mà nạn nhân của nó là nhân dân Palestine trong những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng…
Chúng tôi tin tưởng rằng đấu tranh chống chủ nghĩa bài Hồi giáo và chủ nghĩa Xion (bài Ảrập, phục quốc Do Thái) là hai việc không thể tách rời. Chúng tôi phản đối tất cả các hình thức phân biệt và xin nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp hiệu quả nhằm vạch rõ những hành động mang tính bài Hồi giáo, Xion, từ đó chống lại tất cả các hiện tượng tiêu cực…
Hội nghị này của LHQ ghi nhận rằng các biểu hiện của chủ nghĩa Xion đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như có sự tăng cường các hoạt động bạo lực mang tính phân biệt đối xử, nhất là phong trào Xion, dựa trên sức mạnh và ưu thế của dân tộc mình trước các dân tộc khác…”.
Quá khứ nô lệ của châu Phi – vấn đề gai góc
Ngoài vấn đề Trung Đông, còn một chuyện khác làm hội nghị lục đục. Các nước thuộc châu lục Đen đòi các quốc gia buôn bán nô lệ trước kia phải chính thức xin lỗi họ: Lịch sử đã ghi nhận rằng cho đến thế kỷ 19, hàng triệu người da đen đã bị xích bằng xích sắt, đưa lên thuyền chở sang châu Mỹ để rồi phải làm việc ở đó như súc vật… Một số nước châu Phi còn đòi được bồi thường với số tiền tùy theo nhận định của họ về những gì các nô lệ đã phải chịu đựng.
Tất nhiên, EU phản đối đề nghị đó. Họ chỉ chấp nhận viện trợ cho châu Phi – châu lục nghèo nhất thế giới, và làm việc đó căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế của nước nhận viện trợ, chứ không phải “dựa trên những định kiến về lịch sử”.
Đoan Trang (theo Reuters, AP)

1gom