Đạo diễn Khải Hưng: ’Tôi không sợ sai’

ũdg
Đạo diễn Khải Hưng.

– Con đường nào đưa anh đến với sự nghiệp truyền hình?
– Sự nghiệp truyền hình của tôi nghĩ lại giống như bước ngoặt bất ngờ trong đời. Tôi được học để trở thành thày giáo, nhưng đứng trên bục giảng chưa bao lâu, tôi lại đi học. Tưởng rằng như thế là yên vị. Bỗng nhiên, một đoàn làm phim đến quay, Viện trưởng muốn tôi giúp họ. Đoàn phim rủ tôi chuyển sang làm truyền hình. Lời đề nghị ấy thật hấp dẫn, thế là tôi rẽ lối. Đó là năm 1976.
– Gắn liền với chương trình Văn nghệ Chủ nhật, dường như anh đã phải trăn trở không ít?
– Văn nghệ Chủ nhật ra đời được 10 năm, nghĩa là khá dài hơi. Biết bao nhiêu chuyện buồn vui với nó.
Người ngoài nghề có lẽ không hiểu “đứt sóng” là gì. Nhưng với người làm truyền hình, đứt sóng là sự kinh sợ, bởi nó nguy hiểm đến “tính mạng” người làm. Trong 10 năm, Văn nghệ Chủ nhật tự hào chưa hề đứt sóng. Nó tìm ra công nghệ làm phim truyền hình VN, mở ra dòng phim truyền hình, đánh bật sự thống trị của loạt phim “mì ăn liền” thời đó.
Chuyện buồn vui quanh nghề thì nhiều. Có hàng trăm bài báo khen chê. Tôi nghĩ khen chê với chúng tôi cũng là chuyện thường tình. Điều đáng sợ nhất chính là sự im lặng trước một chương trình. Một kỷ niệm buồn tôi không bao giờ quên là chuyện “không xem thì tắt ti vi”, đã được in đậm trên nhiều báo.
– Đó là lý do khiến anh dị ứng với báo chí?
– Tôi cũng là một nhà báo, là hội viên hội nhà báo Việt Nam 20 năm nay, tôi hoàn toàn hiểu báo chí với cơ chế thị trường.
Dưới góc độ một nhà quản lý, tôi hạnh phúc khi mỗi sáng đến cơ quan, thấy những chiếc xe của đoàn làm phim kéo nhau đi ùn ùn. Tôi biết chắc họ sẽ gian khổ với khả năng kinh tế ít ỏi và tay nghề non nớt, nhưng tôi cũng biết họ sẽ rất sung sướng khi được cống hiến cho khán giả những bộ phim làm nên bằng tâm huyết.
Tôi nhớ có lần đoàn làm phim đang trên đường đi làm tại một tỉnh miền núi. Trong đêm, tự nhiên nghe thấy tiếng khóc của đàn ông, ngạc nhiên, chúng tôi tiến lại gần và phát hiện ra đơn vị bộ đội. Họ đang xem Mẹ chồng tôi qua đầu phát băng của đơn vị. Đó là bộ phim phát sóng đầu tiên trên Văn nghệ Chủ nhật. Cảm xúc của những người lính trẻ đã làm tôi lặng người. Tôi nghĩ tôi là người hạnh phúc khi truyền được xúc cảm của mình cho khán giả. Điều này chưa chắc một tỉ phú đã làm được.  
– Anh thích chơi với người trẻ?
– Những người trẻ tuổi được đào tạo bài bản, luôn có ý tưởng mới. Họ làm việc hết mình, chơi với họ, tôi học tập được nhiều. Thời gian ngắn nữa, họ xứng đáng thay thế lớp người già chúng tôi.
– Anh thích mình hoạt động với tư cách đạo diễn hay một giám đốc?
– Giám đốc chỉ là nghề tay trái, mà tôi lại thuận tay phải.
Tuy nhiên, với sức ép của công việc, tay trái hay chân trái cũng cố mà thành thạo. Nhưng dù sao, tay trái dẫu có thành thạo đến mấy cũng không thể thay thế tay phải. Tôi phải làm việc bằng tay trái thì không thể tránh sai sót, càng làm nhiều việc thì càng sai. Nhưng tôi là người không sợ sai, sai thì tôi sửa.
Tay phải tôi vẫn có Ba lẻ một (Bông sen vàng 2001), Không còn gì để nói (Cánh diều vàng 2002), và chắc chắn tôi tiếp tục dùng đến tay phải, khi tay trái không còn dùng đến nữa.
– Có vẻ như anh muốn mở hãng phim tư nhân, khi thường xuyên có mặt tại trường Sân khấu Điện ảnh tuyển diễn viên?
– Tôi chưa bao giờ có ý định làm phim tư nhân. Tôi sẽ đi lại con đường của tôi, đó là dạy học. Tôi muốn mở lớp dạy phim truyền hình.
Thường có mặt tại trường Sân khấu Điện ảnh cũng vì công việc tay trái của tôi. Tôi muốn trực tiếp tuyển lựa những học viên tốt nhất để làm phim truyền hình. 
(Theo Truyền Hình)

1gom