Phường xã sẽ có ban thanh tra nhân dân

d
Đại biểu góp ý về dự thảo luật. Ảnh: Anh Tuấn

Đại biểu Hoàng Thiện Cát cho rằng không nên đưa thanh tra nhân dân vào trong dự luật bởi vì thanh tra nhân dân thực hiện chủ yếu việc giám sát, chứ không phải là thanh tra. Ông Cát đề nghị: “Để tạo điều kiện cho lực lượng này hoạt động tốt hơn, đúng với tầm của nó hơn thì nên tách ra quy định ở một văn bản khác”. Đại biểu Đỗ Tiến Dũng và Lê Văn Điệt cũng đồng tình với việc tách thanh tra nhân dân ra khỏi dự luật vì một bên là nhân dân, một bên là nhà nước. Hơn nữa, hiện nay cơ chế giám sát là toàn dân giám sát, đó là bản chất của Nhà nước VN, đồng thời cũng thể hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra cơ sở.
Trái với ý kiến trên, nhiều đại biểu nhất trí nên để Luật này điều chỉnh cả hoạt động của ban thanh tra nhân dân bởi trong thời gian quá độ, chờ đợi xây dựng Luật về giám sát nhân dân thì nên kế thừa những hình thức đã có. Đại biểu Hoàng Thanh Phú khẳng định, với ưu thế đóng tại cơ sở, thanh tra nhân dân dễ dàng phát hiện được nhiều vấn đề hơn là thanh tra nhà nước. Do đó nếu chỉ sử dụng thanh tra nhà nước thì chưa đủ, mà phải cả thanh tra nhân dân vì lực lượng này sẽ là tai mắt, nắm được tất cả vấn đề từ cơ sở, từ đó sẽ góp phần ngăn chặn, phát hiện tiêu cực, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, kể cả chống tham nhũng.
Từ chỗ nhất trí để Luật thanh tra điều chỉnh hoạt động của ban thanh tra nhân dân, nhiều đại biểu đề nghị nên quy định cụ thể hình thức hoạt động, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng này. Nhiều đại biểu cho rằng thời gian hoạt động của ban thanh tra xã nên là 5 năm thay vì 2 năm như trong dự luật. Mục đích là để tránh lãng phí thời gian và tiền của trong việc tập huấn cán bộ, để phát huy được kinh nghiệm của ban thanh tra đã có và cũng thuận tiện cho việc kiện toàn tổ chức. Về việc này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu giải thích: thanh tra nhân dân ở thôn, làng, ấp, bản chứ không phải ở xã. Theo quy định, mỗi năm bầu trưởng thôn một lần. Nếu cứ 2 năm, tức là 2 nhiệm kỳ của trưởng thôn thì bầu một lần thanh tra là phù hợp.
Một vấn đề được nhiều đại biểu đề nghị là trong dự luật nên có điều khoản quy định Chính phủ nên điều phối công tác thanh tra để khắc phục tình trạng chồng chéo. Bởi thực tế có một số đơn vị doanh nghiệp bị thanh tra nhiều lần cùng một nội dung do các cơ quan thanh tra khác nhau thực hiện. Đây không phải hoàn toàn là các cơ quan muốn nhũng nhiễu doanh nghiệp mà cũng do một phần chức năng, nhiệm vụ chồng chéo.
Việc bổ nhiệm các chức danh tổng thanh tra, chánh thanh tra cũng là đề tài được nhiều đại biểu quan tâm. Theo dự luật thì tổng thanh tra là thành viên của Chính phủ, do Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm và cách chức theo đề nghị của Thủ tướng; chánh thanh tra cấp tỉnh, huyện do thủ trưởng cơ quan cùng cấp quản lý cùng cấp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi đã thống nhất với thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên. Đại biểu Đỗ Tiến Dũng tha thiết đề nghị Quốc hội nên xem xét lại điều này, làm sao để tổ chức thanh tra có tính độc lập tương đối. Bởi nếu thủ trưởng có quyền bổ nhiệm chánh thanh tra, vậy thủ trưởng sai thì thanh tra sẽ rất khó xử lý.
Ông Dũng cho rằng dự luật chỉ nên sửa một phần đã quy định trong Pháp lệnh thanh tra năm 1990. Cụ thể xin chỉnh lại khoản 2, điều 14, 17, 20, 24 và 27 của dự luật là: Tổng thanh tra là thành viên của Chính phủ do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm; chánh thanh tra tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Tổng thanh tra bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; chánh thanh tra Bộ do Bộ trưởng đề nghị, Tổng thanh tra bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách thức. Thanh tra cấp huyện do chủ tịch huyện đề nghị, chánh thanh tra tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Dự luật Thanh tra sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh và được biểu quyết thông qua vào chiều 26/5. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/10, thay thế Pháp lệnh thanh tra ban hành ngày 1/4/1990.

Như Trang

1gom