Bush tái đắc cử và ảnh hưởng tới công nghiệp ôtô Mỹ

Các hãng xe Mỹ như Cadillac tạm gác lại nỗi lo về mức giới hạn nhiên liệu tiêu thụ.
Các hãng xe Mỹ như Cadillac tạm gác lại nỗi lo về mức giới hạn nhiên liệu tiêu thụ.

Đầu tiên, việc đương kim tổng thống Bush tái đắc cử cởi bỏ cho các hãng xe mối lo ngại về những giới hạn ngặt nghèo trong quy định về tiết kiệm nhiên liệu của xe hơi. Thượng nghị sĩ John Kerry muốn tăng giới hạn hiện nay lên 50% vào năm 2015. Có nghĩa là tới thời điểm trên, các xe con và xe tải nhẹ phải đạt mức tiêu thụ nhiên liệu 36 mpg (mile per gallon, trong đó một gallon xăng tương đương khoảng 3,8 lít xăng, còn một mile bằng 1,6 km). Yêu cầu của Kerry sẽ là thách thức thực sự với các hãng xe khi mà quy định hiện nay chỉ là 24 mpg đối với xe con.
Các nhà sản xuất luôn chống đối lại các thay đổi về tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của xe hơi. Theo các nhà quan sát, viễn cảnh về giá dầu tiếp tục cao cộng với các vấn đề môi trường, không chỉ Kerry mà cả Bush cũng sẽ phải áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn trong vấn đề này. Tuy vậy, rõ ràng là ông Bush nhận được sự ủng hộ từ phía các ông lớn trong ngành công nghiệp ôtô khi trong nhiệm kỳ của mình, chỉ nâng giới hạn đối với xe tải nhẹ từ 20,7 mpg hiện nay lên 22,2 mpg vào năm 2007.
Thêm vào đó, Kerry luôn thúc đẩy việc cải tiến công nghệ để giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu của xe hơi, tìm kiếm các nguồn năng lượng có thể tái tạo như nhiên liệu sinh học, tập trung nghiên cứu động cơ sử dụng khí hydro. Còn Tổng thống Bush, do các mối quan hệ chặt chẽ với ngành dầu mỏ, không sẵn sàng với việc gây sức ép cho các hãng ôtô, đặc biệt là bộ ba đứng đầu nước Mỹ (Big Three, gồm General Motors Corp., Ford Motor Co. và Chrysler), đồng thời ủng hộ việc tìm kiếm các nguồn dầu lửa mới trên đất Mỹ. Đó cũng là lý do vì sao Bush luôn tỏ ra cứng rắn trong các vấn đề liên quan đến khu vực Trung Đông, rốn dầu thế giới.
Nguyên nhân thứ hai khiến cho các hãng sản xuất ôtô theo dõi sát sao cuộc tranh cử lần này liên quan đến các chi phí chăm sóc sức khoẻ người lao động. 3 nhà sản xuất ôtô hàng đầu nước Mỹ tuyên bố, trong năm 2003, họ đã phải chi ra 8,5 tỷ USD chăm sóc y tế cho nhân công và cả người nghỉ hưu. Theo các hãng, đây là trở ngại lớn nhất của họ trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Ford Motor cho biết, chi phí cho mỗi chiếc xe sản xuất tại Mỹ của hãng tăng thêm 1.000 USD tiền chăm sóc sức khoẻ. Một phần ba trong số này là dành cho các loại dược phẩm bắt buộc.
Nghiên cứu của Lowen Group, một công ty nghiên cứu lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, cho biết những kế hoạch của ông Bush có thể giúp cho các hãng xe tiết kiệm được 4,7 tỷ USD. Trong khi đó, kế hoạch của Kerry, sẽ khiến chính phủ gánh một phần lớn chi phí y tế cho nhân công, có vẻ làm cho các hãng xe hài lòng hơn khi tiết kiệm được 52 tỷ USD. 
Một thống kê trong từ năm 1960 cho thấy, tại năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của một tổng thống theo đảng Dân chủ, lượng xe tiêu thụ luôn tăng so với một năm trước đó trung bình là 5,3%. Mức tăng này sẽ chưa đến 1% nếu tổng thống đó là người của đảng Cộng hoà.
X.O. tổng hợp

1gom