Ngừng cấp đăng ký kinh doanh dịch vụ môi giới hôn nhân

– Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ban hành ngày 10/7, quy định viêc xử lý hồ sơ của người nước ngoài xin con nuôi Việt Nam như sau:
Với hồ sơ của người nước ngoài (không phải là công dân Pháp và người nước ngoài thường trú tại Pháp) xin nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi, được sở tư pháp tiếp nhận trước 2/1/2003 thì vẫn tiếp tục giải quyết theo Nghị định 184/CP ngày 20/11/1994. Với hồ sơ của công dân Pháp và người nước ngoài thường trú tại Pháp nộp trước ngày đó thì về nguyên tắc vẫn được giải quyết theo Quyết định 142/2000/QĐ-TTg ngày 11/12/2000 của Thủ tướng (ban hành Quy chế thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Pháp và Việt Nam). Các quy định ở Nghị định 68 có lợi hơn sẽ được áp dụng.
– Theo Nghị định 68, chỉ xem xét hồ sơ xin con nuôi với người ở nước có ký Hiệp định con nuôi với Việt Nam. Vậy với người nước khác có nguyện vọng chính đáng thì giải quyết thế nào?
– Với mục đích thiết lập một cơ chế hợp tác quốc tế chặt chẽ và hữu hiệu cho vấn đề bảo vệ trẻ em được nhận làm con nuôi, đặc biệt trong hoàn cảnh nước ta chưa gia nhập Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa các nước, Nghị định 68 quy định chỉ xem xét giải quyết đơn xin nuôi con nuôi của người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nếu quốc gia nơi người đó thường trú và Việt Nam đã ký hiệp định hoặc cùng tham gia Công ước nói trên.
Người nước ngoài thường trú tại nước không thuộc trường hợp trên, nếu xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, thì chỉ được giải quyết khi xin đích danh trẻ đang sống tại gia đình thuộc diện bị mồ côi, tàn tật hoặc có quan hệ họ hàng, thân thích với người xin nhận con nuôi.
Cho đến nay, chỉ có Pháp là nước ký kết Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam. Nhưng cần nói là các nước đều ủng hộ Nghị định 68, cho nên triển vọng ký các điều ước song phương tương tự là rất lớn. Hiện đã có nhiều nước như Italia, Thụy Điển, Luxembourg, Bỉ, Monaco, Đan Mạch, Anh, Hà Lan… đề nghị đàm phán ký kết với ta hiệp định này. Chắc chắn sau khi tìm hiểu Nghị định 68, các nước khác sẽ đề nghị hợp tác với ta.
– Nghị định 68 nghiêm cấm hoạt động môi giới kết hôn nhằm mục đích kiếm lời. Vậy các công ty đã được cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ được giải quyết thế nào?
– Bộ Tư pháp đã có công văn đề nghị Bộ KH&ĐT thông báo các quy định mới cho các sở để ngừng cấp đăng ký kinh doanh với nghề dịch vụ môi giới hôn nhân, đồng thời thông báo cho các doanh nghiệp đã được cấp (chủ yếu ở phía Nam) biết để chuẩn bị thay đổi nội dung hoạt động cho phù hợp. Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ KH&ĐT và Tổng cục Thống kê sửa thông tư liên tịch liên quan đến ngành nghề này.
– Nghị định có đề cập việc thành lập các trung tâm hỗ trợ kết hôn thuộc hội liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh và trung ương. Mô hình này sẽ được triển khai thế nào?
– Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước và tình hình nước ta, Nghị định 68 quy định các trung tâm này chỉ hoạt động theo nguyên tắc nhân đạo, phi lợi nhuận, nhằm giúp đỡ việc kết hôn có yếu tố nước ngoài. Các trung tâm này phải thành lập hợp pháp và có đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ nên trước mắt chỉ tiến hành dần dần, có tính thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Xuất phát từ nhu cầu thực tế ở địa phương, tỉnh nào có nhu cầu và đủ điều kiện thì mới thành lập trung tâm. Có thể làm trước ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, rồi rút kinh nghiệm, mở rộng ra các tỉnh khác. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam sẽ có kế hoạch hướng dẫn cụ thể với các tỉnh hội để làm việc này.
(Theo Pháp Luật)

1gom