Võ Phi Hùng và những kịch bản phim về người nghèo

Nhà văn Võ Phi Hùng.
Nhà văn Võ Phi Hùng.

Anh tâm sự: “Hình như những mảnh đời cơ cực luôn luôn ám ảnh tôi, còn định mệnh đã xui khiến tôi trở thành nhà văn viết về số phận người nghèo. Tôi còn nhớ dáng dấp tất tả khổ đau, gương mặt bình dị của người phụ nữ can trường ấy. Bây giờ chắc chị đã già và đứa con đã trưởng thành. Nếu tình cờ xem được bộ phim Cầu thang tối thì xin chị nhận chút lòng cảm phục của tôi, cũng là kẻ sinh sống ở một góc tối, một xó đời như chị…”.
Bộ phim đầu tay Giã từ dĩ vãng, Võ Phi Hùng nói về chính cuộc đời mình và những người anh gặp trên đường mưu sinh gập ghềnh vất vả. Từ phim này, anh muốn trả một chút ân tình cho những người đã dang rộng vòng tay với anh trong những ngày khốn khó. Ngày ấy, anh là đứa trẻ đi bán báo dạo trên hè phố, có lúc bị bọn trẻ cùng cảnh ngộ hà hiếp, bị xử ép, phải bò xuống miệng cống để tìm đồng xu trả lại cho chủ. Rất nhiều năm, anh đi hát rong theo một ông già hom hem bập bùng cái guitar điện, ông kiếm chén rượu, còn anh kiếm bát cơm. Võ Phi Hùng cũng nhiều năm tá túc ở một ngôi chùa có cái hồ để người ta phóng sinh rùa và ba ba cầu phúc. Anh ngả lưng qua đêm với đám người nghèo khổ trên lớp gạch còn âm ấm hơi nắng ban chiều, nằm nghiêng như con tôm, mắt nhìn lên bầu trời xa thẳm mà chiêm nghiệm thân phận lẻ loi của mình. Cứ đến ngày rằm, mồng một, người ta thả những lồng chim lớn để cảm ơn mưa móc. Lũ trẻ bụi đời đi bắt về, bán lại lấy tiền sinh sống, rồi có người bỏ tiền ra mua để phóng sinh. Chứng kiến cảnh ngộ này, anh đã chuyển thể truyện ngắn của nhà văn Nguyên Hồ thành kịch bản phim Chim phóng sinh…
Võ Phi Hùng tâm sự, chính quãng thời gian cơ nhỡ, buồn tủi đã giúp anh trở thành nhà văn của những số phận nghèo khổ. Họ chính là những cô gái điếm, anh thợ hồ, bác phu xe, ông già mù bán vé dạo… đã cùng anh vượt qua năm tháng ảm đạm để thành người và có được thành công trong sự nghiệp văn chương như hôm nay.
(Theo Truyền Hình)
 

1gom