Danh sách điệp viên nước ngoài tại Nga không có người Mỹ

Nhưng trong cuộc gặp với các chủ bút Nga hôm qua, ông Patrushev không hề nhắc đến hoạt động tình báo của Mỹ. Đây là một điều rất đáng chú ý sau những căng thẳng gần đây xung quanh chủ đề điệp viên giữa Washington và Matxcơva.
Năm nay, các nhân viên phản gián đã bắt quả tang 10 người nước ngoài hoạt động do thám ở Nga và phá vỡ hoạt động của điệp viên các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Iraq và Ảrập Xêút. Theo lời ông Patrushev, FSB đang theo dõi 130 điệp viên, ngăn chặn được 50 người (trong đó có 6 công dân Nga) đưa bí mật quốc gia ra nước ngoài.
“Cơ quan tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Iraq và Ảrập Xêút đã mất nhiều nhân vật cấp tin có giá trị”, người đứng đầu FSB tuyên bố.
Dưới thời Tổng thống Putin, Nga cố gắng phát triển quan hệ với Iraq, Iraq và CHDCND Triều Tiên, nhằm tạo thành một liên minh đối trọng với Mỹ. Tuy nhiên, sau vụ 11/9, quan hệ Matxcơva – Washington đã có những bước đột phá, khi cả hai cùng tuyên bố không khoan nhượng với khủng bố. Ông Patrushev thậm chí còn tiết lộ rằng FSB đã tăng cường hợp tác với các cơ quan CIA và FBI của Mỹ.
Kể từ khi ông Putin lên nắm quyền ngày 31/12/99, đã có một loạt diễn biến căng thẳng liên quan đến hoạt động tình báo hai nước. Năm 2000, một doanh nhân Mỹ tên là Edmond Pope đã trở thành người Mỹ đầu tiên trong vòng 40 năm bị kết án vì làm gián điệp ở Nga. Ngoài ra, John Tobin, một sinh viên cao học Mỹ du học tại Nga, mặc dù chỉ bị cáo buộc tàng trữ marijuana, cũng thu hút sự chú ý của báo chí. Các quan chức an ninh nhận định rằng anh ta có thể đang được đào tạo làm điệp viên. Tobin được thả hồi tháng 8, còn Edmond Pope thì được Tổng thống Putin ân xá, ngay sau khi bị kết án.
Sau sự kiện nhân viên FBI Robert Hanssen bị bắt và cáo buộc làm điệp viên cho Nga, Mỹ đã trục xuất 50 nhà ngoại giao Nga. Đáp lại, Matxcơva cũng có hành động trả đũa tương tự.
Hôm qua, ông Patrushev chỉ thông báo tên một điệp viên duy nhất làm việc cho phương Tây. Một cựu nhân viên an ninh Nga có tên Viktor Oyamyae bị cáo buộc làm điệp viên cho Anh và Estonia (nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ), lĩnh án 10 năm tù vì tội phản quốc.
Một tình báo viên khác bị kết án 10 năm tù, nhưng được Tổng thống Nga ân xá và chỉ bị trục xuất. Patrushev không tiết lộ tên tuổi và quốc tịch của người này.
Giám đốc FSB cho biết các cơ quan tình báo nước ngoài đặc biệt quan tâm đến những bước phát triển trong khoa học cơ bản, công nghệ quân sự và thông tin kinh tế của Nga.
Minh Châu (theo AP)

1gom