Những trở ngại của Mỹ trong và sau chiến tranh (1)

Dụng ý chính trị của những cảnh báo nguy cơ này là nêu những mối nguy hiểm trước khi chiến tranh nổ ra với công chúng Mỹ, và rằng việc đối mặt với đối phương không thể diễn ra hoàn toàn như dự kiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld đã hoàn tất bản liệt kê các nguy cơ dài 4-5 trang, mà các trợ lý cho biết ông vẫn giữ trong ngăn kéo. Người đứng đầu Lầu Năm Góc thường xuyên xem xét, cập nhật bằng những ý kiến của chính mình và đề xuất từ các chỉ huy quân đội cao cấp. Sau đó, ông thảo luận với Tổng thống George W. Bush.
Bản liệt kê của Rumsfeld đề cập đến “mối lo ngại rằng Saddam Hussein có thể sử dụng vũ khí hủy diệt chống chính người dân của mình rồi đổ lỗi cho Mỹ”. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho rằng “ông ta (Hussein) có thể làm những gì đã từng làm với các giếng dầu của Kuwait và phát nổ chúng, làm mất đi nguồn thu nhập quan trọng của người Iraq”. Các quan chức chính quyền Bush đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này khi lên kế hoạch hậu chiến, vì họ định dựa vào ngân sách từ dầu mỏ để xây dựng lại đất nước vùng Vịnh.
Mặc dù rõ ràng lo ngại về số lượng lính Mỹ thiệt mạng và bị thương, nhưng các nhà chiến lược không hề bàn đến nó và cũng không rõ nguy cơ này được ưu tiên đến mức nào trên bản liệt kê của Bộ trưởng Rumsfeld. Khả năng một cuộc xung đột kéo dài, dẫn đến thương vong cao hơn, vẫn đang ám ảnh những người lên kế hoạch chiến tranh. Một quan chức đặt câu hỏi: “Chiến dịch quân sự sẽ kéo dài bao lâu? 3 ngày, 3 tuần, 3 tháng hay 3 năm?”.
Ông Rumsfeld còn cho rằng Tổng thống Saddam Hussein giấu vũ khí hủy diệt ở các nhà thờ Hồi giáo, bệnh viện hay các tụ điểm văn hóa, lấy toàn thể công dân hoặc những nhà báo nước ngoài bị bắt giữ làm lá chắn sống. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng, các nước láng giềng có thể bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vũ khí bị cấm còn có thể được dùng để chống lại quân đội Mỹ ở trong và ngoài lãnh thổ Iraq.
Ngoài ra, một quan chức chính quyền Bush nhận định: “Chúng ta vẫn chưa biết lính Mỹ sẽ được đón nhận như thế nào. Người ta sẽ vui mừng, chế nhạo hay nhằm bắn? Thực tế là chúng ta không thể biết chừng nào còn chưa đến đó”.
Theo các trợ lý, Tổng thống Bush đánh giá cuộc chiến này không giống những gì đã diễn ra ở Afghanistan. Đó là một chiến thắng quân sự với tốc độ nhanh hơn dự kiến, ít thương vong. Tuy nhiên, nếu ông Bush quyết định phát động chiến tranh mà không được Liên Hợp Quốc thông qua, thì các quốc gia khác sẽ không ủng hộ Washington, việc ổn định và tái thiết Iraq phức tạp hơn. Một quan chức chính phủ Mỹ thừa nhận: “Có rất nhiều nhân tố làm chúng tôi đau đầu”.
Bên cạnh đó, người ta còn lo ngại trong khi đang tập trung vào Iraq, lực lượng tình báo Mỹ không thể theo dõi sát sao các mối đe dọa khác. Tuần trước, tại Capitol Hill, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Lowell E. Jacoby cho biết khả năng phát hiện vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa được phổ biến trên toàn thế giới “đang bị dàn mỏng”. Số sĩ quan tình báo ở một số khu vực trên thế giới, như Nam Á, Nga và Trung Quốc, đã giảm so với bình thường.
Còn tiếp
Nguyễn Hạnh (theo The New York Times)

1gom