Cảm nghĩ của độc giả về sự kiện 11/9 (phần 3)

Người gửi: Nguyen KhanhGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Hành động bất lực của những kẻ cực đoan
Phần tôi, thì một nghìn lần không thể chấp nhận hành động khủng bố như vụ 11/9. Dùng máy bay dân sự chở hàng trăm người như một tên lửa, đâm vào một tòa nhà có hàng ngàn dân thường khác. Không có lý do gì để biện minh cho hành động đó.
Nếu có ai, vì căm thù nước Mỹ, mà cảm thấy hả hê trước thảm kịch đó, thì người đó quá thiển cận và non kém về chính trị (chưa nói đến vấn đề đạo đức). Chúng ta có thể thấy rõ các lãnh đạo chính trị Hồi giáo đã lo lắng như thế nào sau sự kiện nói trên. Những kẻ khủng bố vụ 11/9 đã tạo cho phái “diều hâu” trong Chính quyền Mỹ một cơ hội tốt để loại trừ những đối thủ của họ trong thế giới Hồi giáo. Hành động này đã đẩy thế giới Hồi giáo vào một thời kỳ suy vong vì sự e sợ và cô lập của phương Tây. Như vậy, những kẻ khủng bố, trong khi nhân danh đạo giáo và đồng bào của họ, đã phản lại mục đích của chính họ.
Người gửi: Tiêu Thach GiangGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Ground Zero – Những gì còn lại một năm sau ngày 11/9
Cách đây vài ngày, tôi lại có dịp đi ngang qua khu Ground Zero, cái tên mà người dân New York đặt cho khu đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sau ngày 11/9/2001. Đường xá vẫn đông xe qua. Trong khu vực tòa nhà, công nhân xây dựng đang dọn dẹp những phần còn lại của hai tòa tháp. Các tòa nhà xung quanh cũng đã được sửa sang lại. Duy chỉ có một tòa nhà bị hỏng nặng nhất vẫn còn đang tu sửa. Phía khu WTC, mọi hoạt động trở lại bình thường. Thậm chí, một quán bar nổi tiếng của New York là Chevy ở cách WTC một dãy phố cũng đã mở trở lại.
Một năm trước, tôi cũng từng có mặt ở nơi này một ngày sau sự kiện khủng khiếp đó. Nắng, bụi, khói, tiếng xe cảnh sát và cứu hỏa, hoa, nến và những dòng lệ. Tôi đã không cầm được nước mắt khi thấy cảnh một người mẹ trẻ dắt con thơ đi dán ảnh của chồng mình lên tường, với một hy vọng mong manh sẽ có sự diệu kỳ của định mệnh. Đứa bé vẫn vô tư đi bên mẹ nó. Nó có vẻ thích thú với cái khẩu trang chống khói bụi, tay nó cầm một tập giấy, trên đó có hình của người cha.
Mấy ngày sau thảm họa. Trường đại học nơi tôi đang học công bố những sinh viên của trường bị mất tích hay chết trong vụ khủng bố đó, và kêu gọi sinh viên tình nguyện tham gia hiến máu và cứu trợ. Cả New York đổ về Ground Zero. Cả nước Mỹ đổ về New York. Lúc đó, tôi cảm nhận như mình đang được chứng kiến một trang lịch sử bi hùng của thành phố New York.
Vậy là một năm đã qua. Mọi cái cứ trôi đi theo dòng chảy của cuộc sống. Sức sống của xã hội lại được phục hồi, mãnh liệt và diệu kỳ. Người ta vẫn nhớ những gì đã diễn ra. Người ta vẫn thắp nến hằng ngày, đặt hoa tươi đầu đường vào khu Ground Zero để tưởng nhớ những người đã khuất. Cuộc sống vẫn hối hả và nhộn nhịp… Và hôm nay, tôi cảm nhận thêm một điều nữa, người dân New York thực sự đã làm được điều họ nói – New York, we stand!
Người gửi: Lâm Hoàng LinhGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: 11/9 – thử nhìn vào nguyên nhân và hậu quả
Theo tôi, 11/9 xảy ra do chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ. Chính phủ Mỹ đã tạo nên cảm giác rất an toàn cho dân Mỹ, sống trong một đất nước tự do, không bao giờ biết đến chiến tranh (ngoại trừ Nội chiến từ thế kỷ XIX, và những thương vong ở trận Trân Châu Cảng trong Đại chiến Thế giới thứ hai).
Mặt khác, Washington lại can thiệp rất nhiều vào nội bộ nước khác. Hành động quân sự của Mỹ ở El Salvador, kênh đào Panama, Việt Nam, Kosovo, cách Mỹ ủng hộ Israel trong việc tạo ra quốc gia này và lấn chiếm đất của người Palestine, nhằm tạo ra đồng minh của họ ở vùng Trung Đông, cách họ từ chối hiệp ước Kyoto vì coi chuyện này gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ, và gần đây nhất, lên tiếng đòi tấn công Iraq.
Tại sao Mỹ có thể lên án khủng bố và coi đó là một cuộc chiến tranh, rồi tự cho mình quyền tấn công một nước khác, chỉ vì họ coi tổng thống của nước đó là nguy hiểm, và vì Iraq có vũ khí hạt nhân? Mỹ cũng có vũ khí hạt nhân và có thể sử dụng chúng bất kỳ lúc nào? Vậy họ sẽ nghĩ gì nếu nước khác tuyên chiến với họ chỉ vì họ có 2 điều kiện trên?
Tôi cũng bị sốc khi nghĩ rằng sẽ không bao giờ trông thấy tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới nữa. Tôi từng học và sống ở Mỹ 3 năm, từng có những tình cảm và những kỷ niệm đẹp trên nước Mỹ, và cũng trân trọng những giá trị cuộc sống mà nước Mỹ đem lại. Người thân của bạn học tôi suýt bị nguy hiểm đến tính mạng và thoát khỏi là nhờ may mắn. Có lẽ ai cũng đồng ý rằng thương vong đối với dân thường là điều đáng lên án nhất trong mọi xung đột vũ trang hay khủng bố. Nếu nước Mỹ có thể rút ra bài học gì sau 11/9, tôi mong họ sẽ đối xử với các nước khác bằng cách nhìn vào lợi ích của cả nước đó nữa, lợi ích của cả thế giới chứ không chỉ của nước Mỹ mà thôi. Nhưng thật đáng buồn là điều đó vẫn chưa xảy ra. Sau 11/9, kinh Koran là cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ. Điều đó thể hiện cố gắng của người dân tìm hiểu về nền văn hóa của Trung Đông. Nhưng một lần nữa, chính quyền Mỹ lại lăm le tấn công Iraq, dưới chiêu bài lật đổ một chế độ độc tài. Thực ra, họ chỉ hy vọng lật đổ được Saddam Hussein, người không chịu hợp tác với họ, để dựng lên một chính quyền bù nhìn khác và tiếp cận nguồn dầu lửa dồi dào một cách dễ dàng hơn.
Người gửi: Nguyễn Duy ViệtGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Ngày 11/9 “gieo gió-gặt bão”
Thế là đã một năm, kể từ ngày xảy ra sự việc 2 chiếc máy bay đâm vào WTC, thời gian trôi thật nhanh…..Tôi không muốn gọi sự việc đó là hành động khủng bố, vì thật ra mỗi hành động xảy ra đều có căn nguyên của nó, người Mỹ thì gọi nó là hành động khủng bố, còn những người dân Afganistan, Palestin, Iraq… thì lại gọi đó là một cuộc trả thù. Trả thù cho cha mẹ, anh em, bạn bè và cả đất nước của họ, những người đã thiệt mạng, tàn tật, bị di chứng của chiến tranh, mà những cuộc chiến đó vẫn luôn luôn do chính nước Mỹ khởi xướng, đứng đầu và bảo hộ.
Tại sao ta không gọi những hành động của Mỹ như vậy là khủng bố? Hay vì người Mỹ giàu có nhất thế giới, quyền uy nhất thế giới, nên mạng sống của người Mỹ “đắt giá” hơn mạng sống của những dân tộc khác trên thế giới? Hiện nay, trên hành tinh này có gần một chục quốc gia có khả năng hạt nhân, nhưng cho đến thời điểm này, Mỹ là nước duy nhất đã sử dụng nó và ngay lập tức đã giết chết 40.000 thường dân!
Tôi có đọc bài của một bạn sống ở Mỹ lên án những người cho hành động “11/09” là đúng. Bạn nói rằng “nếu trong tòa nhà đó có cha mẹ và người thân của mình thì sao”? Tại sao tôi lại phải nói “nếu”, vì chính chú ruột tôi đã hy sinh năm 1972 tại Quảng Trị, bác tôi bị cụt tay vì mảnh pháo vào năm 1971. Nếu tất cả những người tán thành hành động 11/9 đã mất hết tính người thì những ai ở Iraq, Afghanistan, Palestine… khi nghe tin đã xuống đường – cũng đã mất hết tính người. Tôi chỉ muốn nói một điều rằng, quan điểm về một vấn đề mỗi người một khác, xin đừng kết tội nhau thế. Người gửi: Le A. HaoGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Cần lên án chủ nghĩa khủng bốSự kiện 11/9 đã để lại cho bất cứ ai trên toàn nhân loại này một nỗi ám ảnh kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố. Vẫn còn như in, cái đêm đầu của mùa xuân ở Australia cách đây gần tròn một năm, sự kinh hoàng đã được tất cả các đài truyền hình truyền trực tiếp breaking news suốt cả buổi đêm 11/9.
Những kẻ khủng bố sẽ hoan hỷ với cái gọi là “thành tích”, những người không thích Mỹ thì mỉm cười. Tôi vẫn còn nhớ buổi học ngày 12/9 của thày David McVay, một người New York thực thụ, và chúng tôi đã thảo luận suốt buổi sáng. Điều thú vị là trong lớp tôi có khá nhiều bạn đến từ Trung Đông, và thày David McVay đã nói rằng: “Chúng tôi, những người Mỹ đã bầu lên Tổng thống, chịu trách nhiệm với những gì Tổng thống đã làm, đang làm và sẽ làm. Chúng tôi, những người dân Mỹ, xin chia sẻ với những đau thương mà bộ máy cầm quyền đã gây ra trên thế giới này. Chúng tôi phản đối việc gây ra một cuộc chiến nữa ở Afghanistan. Chúng tôi mong muốn hòa bình đến trên thế giới này”. Và phía các bạn Trung Đông, cũng đều thống nhất rằng: “Thiết nghĩ, khủng bố là một hình thức phát xít mới. Chúng tôi hoàn toàn không ủng hộ một chủ nghĩa cực đoan như vậy”. Xin hãy nhìn nhận sự kiện 11/9 một cách độc lập, mới thấy rằng thế giới này đang trong một thái cực đầy rủi ro của chiến tranh. Cá nhân tôi hoàn toàn không ủng hộ dùng bạo lực ở Afghanistan hay ở Iraq sắp tới, nhưng tôi cũng hoàn toàn lên án chủ nghĩa khủng bố hay những giáo phái cực đoan. Một lần nữa, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn rằng chết chóc ở bất cứ đâu trên thế gian này đều đau khổ như nhau, bất cứ ai gây ra sự đau thương đều đáng lên án. Để thế giới này hòa bình, mỗi trái tim phải độ lượng.Le A. HaoSydney, Australia
Người gửi: Andy NgoGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Nhìn rộng và xa hơn ngày 11/9
Các bạn thân mến!Tôi đã nghe nhiều ý kiến về vấn đề này. Xin được quả quyết là số người vui mừng vì nước Mỹ bị “trừng phạt” chẳng đáng kể so với số người thông cảm cho những số phận đáng thương bị chôn vùi trong đống đổ nát của WTC. Tuy nhiên, nước Mỹ có chạnh lòng trước những số phận sắp sửa bị tàn sát nếu họ mở cuộc tấn công vào Iraq hay không?
Washington luôn tự cho rằng người Mỹ giá trị hơn những dân tộc khác. Họ đòi thanh tra vũ khí của Iraq, sẽ tấn công nếu bị từ chối và cho rằng đó là điều tất yếu. Bản thân nước Mỹ có vũ khí không? Chẳng những có mà còn đặc biệt nguy hiểm cho loài người tiến bộ và thế giới nói chung. Vậy nếu như Liên Hiệp Quốc nói là Iraq muốn thanh tra vũ khí của Mỹ, liệu có được xem là bình thường hay không? Tôi đang sống và làm việc ở Australia. Chính sách ngoại giao của Australia chỉ là cái bóng của nước Mỹ. Tuy nhiên, theo dõi những cuộc nói chuyện trên truyền hình ở đây, tôi thấy người dân Australia thì ngược lại. Họ phản đối cuộc tấn công vào Iraq. Qua những gì nghe được, biết được, tôi dám chắc rằng, những người hiểu biết chẳng ai đồng tình với Mỹ.Để kết luận, người dân Mỹ nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung là những người yêu chuộng hòa bình. Còn những gì mà chính quyền George W. Bush đang rắp tâm thực hiện là xấu xa, tồi tệ. Họ muốn nước Mỹ được bình yên, được hạnh phúc thì đừng gây chiến tranh ở nước khác. Nếu không thì sẽ còn những chuyện đại loại như 11/9 diễn ra nữa, mà điều đó thì chẳng ai muốn cả. Trân trọng
Người gửi: Nguyễn BìnhGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Không phải là một trò chơi
Khi còn là một cậu bé, tôi thường xếp những viên gạch thành một hàng dài và hồi hộp theo dõi chúng đổ một cách tuần tự. Khi nhìn thấy WTC sụp xuống, tôi chợt nhớ lại những ký ức tuổi thơ về hiệu ứng domino, chỉ có điều những gì diễn ra ngày hôm ấy thực khủng khiếp. Những chính sách trong quá khứ của nhiều cái đầu ưu tú nhất nước Mỹ cộng với vài tên khủng bố liều chết đã nối tiếp đem đến cái chết cho hàng ngàn người trong ngôi nhà định mệnh, giữa một đất nước có nhiều súng và phi cơ nhất thế giới.Những viên gạch đổ đột nhiên dừng lại, nếu như có một ai lấy đi một viên ở giữa hàng.
Người gửi: Nguyễn Quang HưngGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: suy nghĩ cá nhân về sự kiện 1/9
Tôi lớn lên ở mảnh đất Đông Hà. Bạn tôi, biết bao nhiêu người không bao giờ được nhìn thấy ánh nắng mặt trời, bao nhiêu người không bao giờ được chạy nhảy vui đùa. Bao nhiêu người mà thế giới với họ chỉ là một chiếc giường bất động. Tất cả do đâu?
Tôi tin vào lòng tốt của một con người đối với một con người, nhưng không bao giờ tin vào lòng tốt của một quốc gia này đối với một quốc gia khác nếu không vì lợi ích của họ. Tất cả những điều đó giải thích được vì sao Mỹ quyết triệt tiêu Taliban, Nam Tư nhưng lại dung túng cho Israel thảm sát người Palestine.
Người gửi: Bùi Hải HộiGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: 11/9 Ngày bỏng cháy
Ngày 11/9/2001, tôi và thằng bạn thân nhất của tôi đang hân hoan đón mừng sinh nhật lần thứ 20 của nó thì tivi đưa tin nước Mỹ bị khủng bố. Cả hai cùng nghĩ rằng đây chỉ là một trò đùa, nhưng tất cả đều là sự thật, hàng ngàn người vô tội bị chôn vùi trong đống đổ nát, biểu tượng đẹp nhất của New York bị phá hủy, thật là thảm khốc!
Với mong muốn một thế giới hòa bình, bạn tôi đã dành điều ước trong ngày sinh nhật cho hành tinh này không còn những cuộc chiến đẫm máu, không còn phải trông thấy hàng ngàn người bị thảm sát.
Một năm sau ngày 11/9 sắp sửa trôi qua nhưng những vết tích của nó vẫn còn đó. Sắp tới sinh nhật của thằng bạn tôi, có lẽ sẽ lại thêm một điều ước nữa dành cho thế giới ngày mai tươi đẹp.
Người gửi: N.H.NGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: Chiến tranh và hòa bình
Theo tôi, chiến tranh sẽ không bao giờ mất. Đó là quy luật, bởi đói nghèo, sự khác nhau về tôn giáo, đố kị và lòng tham của con người đã làm nên chiến tranh.
Người gửi: To Chinh NghiaGửi tới: Ban Thế giớiTiêu đề: SU KIEN 11.9
Trong văn hóa Mỹ, học thuyết “Seven habits of highly effective people” của Stephen R.Covey được đánh giá rất cao. Một phương châm để thành công là tư tưởng: “Win-Win” tạm hiểu là quan hệ “Được – Được”. Sao Chính phủ Mỹ lại sử dụng giải pháp lấy oán báo oán tức là: ” Lost – Lost”? Tôi thiết nghĩ giải pháp này chỉ là tình thế và tạm thời vì mâu thuẫn chính vẫn tiềm ẩn. Không thể thắng cả một cuộc chiến bằng một trận đánh. Tôi nghĩ Win – Win trên thực tiễn là hợp lý nhất, phù hợp với tư tưởng cao cả của Liên Hợp Quốc.
Xin cầu nguyện cho những oan hồn không chỉ tại Mỹ trong ngày 11/9 mà cả Afghanistan sau đó.Tô Chính Nghĩa/Hanoi
Phần mộtPhần hai
 

1gom