Những vi phạm nổi cộm trên thị trường chứng khoán

b

 “Chẳng hạn, đầu phiên giao dịch X, tôi đặt mua cổ phiếu SAM, nhưng sau khi đặt lệnh, tôi nhận được những thông tin bất lợi cho SAM, tôi sẽ dùng tài khoản thứ hai của mình (tất nhiên là mang tên người khác rồi ủy quyền giao dịch cho tôi) để đặt ngay lệnh bán, với hy vọng sẽ giảm bớt những thiệt hại do quyết định đầu mang lại” – một nhà đầu tư nói.
Mặc dù nhân viên công ty chứng khoán không được mở tài khoản cho cá nhân mình tại chính công ty đang làm việc, nhưng lại cho phép họ được nhận ủy quyền giao dịch cho nhà đầu tư. Như vậy là, nếu muốn thực hiện giao dịch, chỉ cần mượn một người quen nào đó cái tên để mở tài khoản và nhờ người đó ký giấy ủy quyền giao dịch cho mình là xong. Theo ông Hoàng Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mỗi giai đoạn phát triển, thị trường lại có những biểu hiện vi phạm khác nhau.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu, lượng cổ phiếu giao dịch còn quá ít, phải xếp hàng đặt lệnh mua, thì những hành vi vi phạm được biểu hiện như: công ty chứng khoán tổ chức bốc thăm đặt lệnh cho khách hàng, nhưng thực chất chỉ là việc làm hình thức, vì đằng sau đó là các hiện tượng tiêu cực như lưu lệnh, ưu tiên lệnh, không ghi rõ thời gian, thứ tự lệnh… Một số nhân viên đại diện giao dịch còn dùng thủ thuật gõ đủ số ký tự để lệnh giao dịch được thực hiện, sau đó sửa lại số ký tự lệnh… Ngoài ra, thời gian này còn xuất hiện hiện tượng các công ty chứng khoán tranh thủ tự doanh với khối lượng lớn mà không ưu tiên thực hiện lệnh cho khách hàng theo đúng quy định.
Giai đoạn thứ hai, theo ông Long, là giai đoạn thị trường được “hạ nhiệt” liên tục bằng các quyết định của cơ quan quản lý, xuất hiện một loạt các vi phạm khác như: các nhà đầu tư lớn chia tách tài sản thành nhiều tài khoản, với các tên gọi khác nhau; một số nhà đầu tư mở tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau; nhiều nhà đầu tư bán chứng khoán trao tay, không thực hiện giao dịch trên thị trường chính thức nên không chuyển quyền sở hữu chứng khoán trên tài khoản.
Giai đoạn thứ ba, kể từ khi áp dụng biên độ () 2% đến nay, những hành vi tiêu cực tập trung vào việc một nhóm nhà đầu cơ nắm lượng lớn cổ phiếu đã cấu kết với nhau để cùng mua, cùng bán một loại cổ phiếu nhằm điều chỉnh giá. Ngoài ra, do lượng các công ty chứng khoán khá nhiều, nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để thu hút nhà đầu tư đến mở tài khoản đang trở nên phổ biến.
Một số công ty chứng khoán chèo kéo nhà đầu tư sang mở tài khoản tại công ty mình, mặc dù biết rõ người này đã có tài khoản ở một công ty chứng khoán. Theo giải thích của họ, nếu không làm như vậy, họ sẽ rất khó có cơ hội thu hút được nhà đầu tư cũ. Cách thuyết phục của họ là tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách hàng mở tài khoản (trong trường hợp mở chính tên) và làm thủ tục ủy quyền (khách hàng mượn danh người khác để mở tài khoản).
Ngoài ra, để thu hút khách hàng, nhiều công ty chứng khoán đã bỏ quy định về mức tiền ký quỹ tối thiểu, nghĩa là ngay cả khi chẳng có đồng nào, nếu muốn, bạn sẽ có ngay một tài khoản giao dịch chứng khoán. Về mặt nào đó, động thái này có tác động thu hút và hỗ trợ công chúng tham gia thị trường chứng khoán, nhưng mặt khác, lại tạo ra một hình ảnh không thật về thị trường, khi theo con số báo cáo, đến nay có hơn 12.000 tài khoản tại các công ty chứng khoán. Nhưng trong số đó, có không ít tài khoản chồng chéo (của cùng một đối tượng) hoặc mở mà không giao dịch.Các vi phạm nêu trên dù lớn, dù nhỏ đều tác động làm lệch lạc sự phát triển lành mạnh của thị trường. Người thiệt hại nhiều nhất chính là những nhà đầu tư nhỏ, ít kinh nghiệm.
(Theo ĐTCK)

1gom