Cải cách hành chính: Nhiều cán bộ còn vô trách nhiệm

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự.
Các đại biểu thống nhất 4 vấn đề cơ bản của kế hoạch cải cách hành chính: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Công cuộc này phải làm đồng bộ, từ trên xuống.
Đánh giá về mục tiêu và nhiệm vụ của chương trình 10 năm, ông Nguyễn Khánh cho biết, công việc của năm 2002 sẽ nặng nề, và quan trọng nhất. Bởi đây là năm đầu thực hiện Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 11 tới), ngoài ra còn bầu lại Quốc hội và Chính phủ mới, sau đó là HĐND và UBND. Có thể nói, nội dung sửa đổi luật, cách thức tổ chức lại các cơ quan nhà nước sẽ thể hiện rõ tinh thần cải cách.
Nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước đặt ra đã lâu và liên tục được nhắc lại trong các nghị quyết của Đảng, song chuyển biến vẫn chậm chạp so với yêu cầu đề ra. Đổi mới ở cơ quan trung ương không theo kịp địa phương. Trong cuộc trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Khánh cho rằng một phần nguyên nhân là trình độ nghiệp vụ, chuyên môn hành chính của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Họ không được đào tạo để làm “nghề công chức, nghề hành chính”, trong khi con người là cốt lõi của chương trình tổng thể này. Cũng có dư luận là khó cải cách triệt để nếu không có kỷ luật nghiêm khắc với cán bộ, công chức. Nhưng thực tế hoạt động hành chính hiện không có tiêu chuẩn đầy đủ, thống nhất và do đó rất khó xác định chất lượng công việc cũng như trách nhiệm của cán bộ.
Sự nghiệp cải cách hành chính đòi hỏi nhận thức đầy đủ của đội ngũ cán bộ từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, theo chủ tịch tỉnh Nam Định, nhiều người còn ngại ngần, bởi biết cải cách sẽ đụng chạm đến quyền lợi của mình: “Tinh giản biên chế thì sợ cơ quan bị xáo trộn, phân quyền cho cấp dưới thì tự mình từ bỏ một số lợi ích”. Để thực hiện thành công chương trình tổng thể, mỗi cán bộ lãnh đạo cần hiểu là rất “đau” nhưng vẫn phải làm.
Để triển khai, các bộ ngành, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch cải cách hành chính cụ thể cho đơn vị mình, chú trọng công tác rà soát, sửa đổi các chế độ chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nghĩa Nhân

1gom