Hơn 82% khiếu nại ở TP HCM liên quan đến nhà đất

Theo ông Kiều Ngọc Trạc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM, “chính sách đất đai của trung ương đã nhiều lần bổ sung, điều chỉnh nhưng vẫn chưa sát thực tế”. Bên cạnh đó, người dân còn thiếu kiến thức pháp luật khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Nhờ thế, những “cò” khiếu kiện luôn tìm được đất sống.
Phó chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Nhựt cho rằng, việc giải quyết khiếu nại ở “cấp trên thành phố” còn quá nhiều kênh. Nếu “tắc” ở chỗ này đương sự sẽ lập tức rẽ sang hướng khác. Đơn thư khiếu nại được lập thành nhiều bộ gửi liền lúc cho các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Cơ quan cấp dưới có khi đã giải quyết xong khiếu tố, ban hành quyết định cuối cùng mà vẫn thấp thỏm. Một thực trạng nhức nhối khác là chỉ cần cán bộ thụ lý có “ý đồ” riêng, sự việc đã bị lệch đi rất xa. Điều này “ai cũng biết dù không nói ra”, nhưng cách giải quyết vẫn chưa rõ.
Thực tế tại thành phố có nhiều trường hợp một vụ kiện nhưng lại có 2-3 “quyết định cuối cùng” giải quyết. Các phán quyết của cơ quan công quyền này lại ngược nhau, làm giảm hiệu lực thi hành, mất uy tín. Đây cũng là nguyên nhân để đương sự có cơ sở kiện tới kiện lui không có điểm dừng.
“Cái căn bản là giá đất. Không có cơ chế, chính sách giá sát thực tế thì khiếu kiện đất đai sẽ còn dài dài”, ông Nhựt nói. Theo quan điểm của UBND thành phố, Nhà nước chỉ can thiệp giải tỏa, đền bù, thu hồi đất để thực hiện các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng. Với các dự án kinh doanh khác, chủ đầu tư tự thỏa thuận việc đền bù giải tỏa mặt bằng miễn sao phù hợp pháp luật, đúng quy hoạch, và Nhà nước không bao cấp. Cơ chế tài chính liên quan đến đền bù giải tỏa cũng phải linh động, nhanh nhẹn hơn để tránh tình trạng ngâm càng lâu, giá đất càng biến động nhiều và khiếu kiện càng phức tạp.
(Theo Tuổi Trẻ)

1gom