Quan chức thoái thác trách nhiệm tại vụ tiêu cực ở Cái Khế

j
Bị cáo Nguyễn Văn Tám, nguyên trưởng ban quản lý chợ Cần Thơ và Trung tâm thương mại Cái Khế.

Giống như hôm qua, ông Thiều Quang Thái (nguyên phó chủ tịch UBND Cần Thơ) tiếp tục khẳng định chủ trương cho Ban quản lý chợ Cần Thơ huy động vốn, rồi tổ chức cho vay lại (hay còn gọi là “phát vay”) là hoàn toàn đúng. Việc ký bảo lãnh cho vay và phát vay không gây hậu quả nghiêm trọng.
Có mặt tại tòa, đại diện Sở Tài chính cho biết: “Việc huy động vốn và phát vay của ban quản lý là sai”. Theo quy định thì ban quản lý là cơ quan có thu nên không được làm đại lý tín dụng. “Không ai cho phép lấy ngân sách ra cho vay cả”, vị đại diện nhấn mạnh.
HĐXX hỏi ông Thái: “Việc làm của ban quản lý là sai sao UBND thành phố còn ký giấy lãnh vay?”. Ông Thái lại đổ lỗi: “Năm 1993 khi tôi về nhận chức thì chủ trương đã có rồi, tôi có ký vài văn bản nhưng cũng chỉ là làm theo tham mưu của các cơ quan chức năng và căn cứ vào quyết định của lãnh đạo thôi”.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao các ngân hàng (biết quá rõ các qui định về hoạt động tín dụng) vẫn cho phép ban quản lý làm đại lý tín dụng trong suốt thời gian dài mà không có ý kiến? Một bị cáo khai đã trước tòa rằng, ngân hàng đã phát cho ban quản lý các mẫu phát vay, thu vốn nên nhân viên cứ theo đó mà làm.
Việc đổ lỗi cho chủ trương, cho lãnh đạo cũng được ông Võ Anh Dũng (nguyên trưởng Ban tài chính – vật giá thành phố) sử dụng khi trả lời thẩm vấn, nhằm thoái thác trách nhiệm.
Theo một nguồn tin, ban quản lý đã dùng gần 2 tỷ đồng thu được từ hoạt động “tín dụng đen” để chi bồi dưỡng cho hơn 150 cá nhân, tập thể. Trong đó, ông Lê Trung Vinh (nguyên chủ tịch UBND Cần Thơ) nhận 6 triệu đồng; ông Thiều Quang Thái (nguyên phó chủ tịch thành phố Cần Thơ): 5 triệu đồng; ông Võ Anh Dũng: hơn 10 triệu. Đặc biệt, UBND thành phố Cần Thơ đã nhận hơn 39 triệu đồng, Ban tài chính Cần Thơ: 24 triệu đồng…
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)

 

1gom