Sri Lanka tiến dần tới khủng hoảng chính trị

C
Cảnh sát giải tán những người biểu tình.

Đó là kết quả của sự chia rẽ chính trị đã khiến 20.000 người ủng hộ phe đối lập xung đột với cảnh sát trong suốt 10 giờ đồng hồ.
Quân đội đã được huy động. Hai người biểu tình thiệt mạng và 70 người khác bị thương. Colombo được mô tả giống một vùng chiến sự hơn là thủ đô của một nước.
Những người phản đối, đi đầu là lực lượng ủng hộ Đảng Hợp nhất Dân tộc, đòi Tổng thống triệu tập lại quốc hội mà bà đã đình chỉ hoạt động từ hôm 11/7. Họ kêu gọi bà Kumaratunga đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Liên minh cầm quyền của Tổng thống đã mất đa số trong Quốc hội tháng trước khi bà sa thải một đồng minh trong chính phủ. Người này, cùng với 6 nghị sĩ thuộc đảng Hồi giáo khác, đã “đảo ngũ” sang phe đối lập, khiến phe này hội đủ chữ ký để tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Chỉ trong vài giờ sau đó, bà Kumaratunga ra tuyên bố đình chỉ hoạt động quốc hội trong 60 ngày. Tổng thống cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về một bản hiến pháp mới vào 21/8 tới.
Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý không có gì ràng buộc. Muốn thông qua hiến pháp mới cần phải có 2/3 số phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ. Điều này chắc chắn bà Kumaratunga không có được, cho dù có tranh thủ thời gian đình chỉ hoạt động của quốc hội để vận động lấy lại được đa số cho phe cầm quyền. Vì vậy, một cuộc bầu cử sớm nữa là nguy cơ rất gần kề.
Trong khi đó, các đảng phái đối lập, bất bình vì quyết định tạm hoãn hoạt động quốc hội, thề sẽ tiếp tục biểu tình. Người ta lo sợ xung đột chính trị sẽ đưa đất nước vào cảnh hỗn loạn và đẩy xa hơn những nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến 18 năm, đã cướp đi sinh mạng của 64.000 người.
H.F. (theo AP)

1gom