180 bệnh thông thường: Cách phòng ngừa và chữa trị (phần 106)

Tiêu chảy và nôn mửa có thể do viêm dạ dày-ruột (virus gây ra) hoặc do ăn nhiều, ăn phải thực phẩm lạ. Hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh đôi khi không chịu được lượng lớn nước trái cây, thậm chí cả sữa. Các em bé được nuôi bằng sữa mẹ ít khi bị tiêu chảy.
Viêm dạ dày-ruột thường bắt đầu bằng nôn mửa, sau đó là tiêu chảy (đôi khi sau 8-12 giờ hoặc lâu hơn). Đôi khi không có tiêu chảy.
Trẻ dưới 4 tuổi (nhất là dưới 6 tháng tuổi) cần được chăm sóc đặc biệt khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa vì chúng có thể nhanh chóng bị mất nước. Phải quan sát cẩn thận khi xuất hiện triệu chứng, cho uống thêm nước.
Chữa trị tại nhà
1. Với trẻ em từ 3 tháng tuổi tới 2 tuổi:
– Nếu em bé được nuôi bằng sữa mẹ, tiếp tục cho bú bằng sữa mẹ. Nếu đi tiêu chảy nặng hơn hoặc nôn mửa, bổ sung thêm nước để tránh mất nước.
– Nếu em bé được nuôi bằng sữa công thức, chuyển sang cho uống nước chống mất nước. Sau đó cho ăn sữa công thức lại từ từ trong 24 giờ. Ngày hôm sau cho ăn lượng sữa công thức như bình thường.
– Cho uống nước chống mất nước hoặc sữa mẹ từ 150 g tới 300 g nếu bị tiêu chảy nặng.
– Đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi, có thể pha thêm một chút bột Nutrasweet hoặc Kool-Aid, Jell-O không đường vào nước chống mất nước.
– Không dùng nước uống cho thể thao, nước ép trái cây hoặc sô đa. Các nước uống này có chứa nhiều đường và không đủ muối khoáng (các chất điện ly) đã bị mất.
– Tránh việc chỉ dùng nước chống mất nước quá 12-24 giờ.  
– Sau 12-24 giờ, cho em bé ăn thực phẩm đặc nếu nó đã ăn được thực phẩm đặc. Cho em bé ăn những gì nó thích. Tránh thực phẩm có nhiều chất xơ (như rau đậu) và nhiều đường (như nước trái cây hoặc kem lạnh).
– Bảo vệ vùng mặc tã lót bằng ôxit kẽm hoặc các loại kem khác. Nổi mẩn do tã lót thường xảy ra sau khi tiêu chảy.
2. Với trẻ em 2 tuổi và lớn hơn:
– Cho uống nửa tách nước chống mất nước mỗi giờ. Cho uống từng ngụm nhỏ nếu đứa trẻ bị nôn mửa. Bổ sung thêm vị ngọt nếu cần.
– Các nước uống dùng trong thể thao có thể được sử dụng tạm thời nếu đi tiêu chảy nhẹ. Không cho uống nước trái cây hoặc sô đa.
– Cho ăn thức ăn dễ tiêu (bột ngũ cốc nấu chín, bánh mì, bánh quy giòn) để bổ sung vào nước uống tái hấp thụ. Bắt đầu chế độ ăn bình thường trong vòng một ngày hoặc hơn. Tránh việc chỉ dùng nước uống tái hấp thụ và chất bổ dưỡng quá 24 giờ.
Khi đứa trẻ khỏe hơn, lượng phân sẽ ít và sô lần đi tiêu giảm. Trong một số trường hợp, hiện tượng tiêu chảy, đi phân nước có thể kéo dài từ 4 tới 6 ngày. Cần theo dõi các triệu chứng mất nước. Bạn có thể chữa trị tại nhà chừng nào đứa trẻ hấp thụ đủ lượng chất lỏng và dinh dưỡng, sẽ đi tiêu với lượng nước bình thường và dường như thuyên giảm.
(còn tiếp)
LTS: Cuốn “180 bệnh thông thường: Cách phòng ngừa và chữa trị” là một cẩm nang bảo vệ sức khỏe gia đình do Nhà xuất bản TP HCM ấn hành. Tác giả Lê Minh Cẩn đã biên soạn theo cuốn “Healthwise handbook” của Donald W. Kemper. Tài liệu này dựa trên các thông tin y khoa chính xác, những tài liệu chuyên ngành hàng đầu đã được các chuyên gia y tế xem xét, và gồm những hướng dẫn căn bản để bạn tự nhận biết và đối phó với các bệnh thông thường nhất.
Cuốn sách không thể thay thế hoàn toàn sự giúp đỡ của giới y tế chuyên môn. Tuy nhiên, nó cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản để có thể hợp tác với bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình”.

1gom