Bệnh lao – “kẻ cơ hội” hàng đầu

fd
Bệnh nhân HIV nhiễm lao được điều trị ở Trung tâm Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch.

Tính “cơ hội” của bệnh lao đã được bác sĩ Nguyễn Quang Hiển, Trưởng khoa Lao, Trung tâm Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch, ví von một cách ấn tượng: “Thử hình dung một ngôi nhà đêm nào cũng có kẻ trộm rình rập, nhưng vì chủ nhà luôn cảnh giác, không quên cửa đóng then cài nên chẳng có sự cố nào xảy ra. Rồi bỗng một hôm chủ nhà ngủ quên, để cửa mở. Bọn trộm chớp thời cơ lẻn vào cuỗm đi hầu hết tài sản quý giá. Cánh cửa mở toang trong đêm là tình trạng nhiễm HIV, còn mấy tay ăn trộm là bệnh lao và một số bệnh cơ hội khác”. Bác sĩ Hiển cũng cho biết, đa số bệnh nhân nhiễm cả lao và HIV/AIDS ở Trung tâm Phạm Ngọc Thạch thuộc lứa tuổi từ 15 đến 30, trong đó 90% sử dụng ma túy.
Nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV cao gấp 30 lần so với người bình thường. Bệnh lao ở người nhiễm HIV cũng có chiều hướng diễn biến nhanh hơn, nặng nề hơn, gây nhiều khó khăn hơn trong chẩn đoán và điều trị.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh lao là ho, khó thở, gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, ra mồ hôi đêm, đau vùng ngực, lưng; ăn kém và ho kéo dài trên 3 tuần. Ở những người đồng nhiễm lao – HIV, triệu chứng của bệnh lao sẽ bị lu mờ, không điển hình, chẳng hạn như sốt mà không ho. Đặc biệt, trẻ em có thể bị lao hạch (vùng nách, cổ), khi có hạch to phải dẫn lưu.
Bệnh lao ở người nhiễm HIV vẫn có thể chữa khỏi
Những bệnh nhân đồng nhiễm lao – HIV thường ít tuân thủ chỉ định và lời khuyên của thầy thuốc hơn so với bệnh nhân lao đơn thuần do nghĩ rằng mình đang đối diện với dấu chấm hết của cuộc đời, có cố chữa cũng chẳng ích gì. Bác sĩ Hiển cho biết, đó là một quan niệm sai lầm, vì những người nhiễm HIV mắc lao vẫn có thể kéo dài cuộc sống nhờ được điều trị khỏi bệnh lao bằng hóa trị liệu kết hợp dùng thuốc. Sự lây lan sẽ giảm nhanh sau 2-3 tuần dùng thuốc trị lao.
Vì có nhiều loại vi khuẩn lao khác nhau trong một cơ thể bệnh nhân, nên quá trình điều trị thường kéo dài để diệt hết các loại vi khuẩn lao, làm lành bệnh và tránh tái phát. Phác đồ ngắn nhất hiện nay là 6-8 tháng.
Thế giới sẽ có 300 triệu người nhiễm lao trong thập kỷ tới
Đó là dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới. Tổ chức này cho biết, đến cuối năm 1999, thế giới có 2 tỷ người nhiễm lao, trong số này có hơn 11 triệu người đồng nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm lao mới đang tăng lên ở nhiều nước có thu nhập cao và trung bình. Ở hầu hết các nước giàu, 80% số người nhiễm lao ở tuổi trên 50. Ngược lại, ở các nước đang phát triển, gần 80% trường hợp nhiễm lao dưới 50 tuổi. Việt Nam được xếp vào vị trí thứ 11 trong số 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất.
Người Lao Động
 

1gom