Regine Chopinot và múa đương đại Việt Nam

a
Nữ biên đạo múa nổi tiếng của Pháp Regine Chopinot.

– Trước khi lưu diễn vở “Ánh mắt” tại Việt Nam vào tháng 10/2002, bà nghĩ phản ứng của công chúng sẽ ra sao?
– Nói thực là tôi không tin công chúng Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận. Nhưng ở Hà Nội và Đà Nẵng, tôi đã thấy nhiều bạn trẻ tình cờ đi qua sân diễn đã đứng lại xem đến hết buổi. Mỗi buổi thu hút khoảng 300 người xem, thế là tuyệt vời rồi.
– Liệu họ có hiểu gì không?
– Chẳng có gì để hiểu cả. Họ có mặt ở đó, thế là đủ. Công chúng của múa đương đại không phải là công chúng tiêu thụ, giải trí. Vở múa giống như một bài thơ, khai thác mọi vận động của thân thể trong một ngày dài: tỉnh dậy, bước vào cuộc sống, cảm nhận không gian sống, lao động, liên kết nhau… rồi trở về gia đình. Đó là ngôn ngữ dung dị nhưng đòi hỏi trí tưởng tượng. Múa hiện đại là khai thác sự phong phú riêng biệt của cơ thể từng vũ công, cộng với sức mạnh của ngẫu hứng. Trí tuệ và năng lượng là hai thứ mà múa đương đại mang đến cho người xem.
– Điều gì khiến bà tìm đến Việt Nam và gắn bó với các nghệ sĩ trẻ trong bốn năm qua?
– Năm 1996, tôi đã gặp Tôn Thất Tiết, nhạc sĩ người Việt sống ở Pháp. Trên nền âm nhạc của ông, tôi đã sáng tác vở Lời của lửa. Năm 1998, vở Bốn mùa trên nền nhạc Vivaldi của tôi vừa ra đời cũng được trình diễn ngay ở Hà Nội. Vì những duyên nợ ấy, tôi đã nhận lời sang Việt Nam, sáng tác và dàn dựng vở Vũ điệu thời gian chuẩn bị cho Festival Huế 2000. Sau đó, tôi đã chọn ra 20 vũ công để huấn luyện múa đương đại trong hình thức trại làm việc. Có thể nói Việt Nam cho tôi rất nhiều, nhất là sự cân bằng và nghị lực để tiếp tục sống với loại hình nghệ thuật này.
(Theo Lao Động)

1gom