Đạo diễn “ngán” làm phim truyền hình dài tập

C¶nh trong phim
Cảnh trong phim Mùa lá rụng.

Các đạo diễn khẳng định làm phim truyền hình dài tập “rất ngán” nhưng đã xác định tham gia là phải biết chấp nhận. Quang Đại từng được khán giả biết đến qua các phim Chim phóng sinh, Đất khách… Với Chuyện cũ ở Trùng Quang(28 tập) do anh làm đạo diễn đã bước vào giai đoạn hậu kỳ. Anh tâm sự: “Thực hiện phim dã sử mà không có trường quay, đoàn làm phim phải đóng đô sáu tháng trời qua các vùng rừng núi Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Lâm Đồng, Đồng Nai… anh em ai cũng than trời vì điều kiện quá khắc nghiệt. Bên cạnh đó, bộ phim dã sử này có nội dung khá mới mẻ với truyền hình Việt Nam nên có giới hạn về bối cảnh lịch sử, phục trang, đạo cụ… thời kỳ thế kỷ 15, vì vậy, “độ vênh” của phim sẽ không tránh khỏi”.
Từ kinh nghiệm cá nhân khi tham gia sản xuất hai phim Những đứa con thành phố và Bến sông trăng, đạo diễn Đỗ Phú Hải nhận định: “Làm phim dài tập là công việc rất khó vì đội ngũ viết kịch bản phim truyện dài tập chưa có. Từ chuyên viên kỹ thuật đến diễn viên chưa thật sự chuyên nghiệp, không có phim trường. Đạo diễn vừa làm vừa mày mò rút kinh nghiệm, chưa ai qua trường lớp chính quy nào về đạo diễn truyền hình. Bên cạnh đó, công nghệ làm thể loại phim này ở nước ta chưa được đầu tư đúng mức”.
Đạo diễn Lê Cung Bắc cho rằng: “Không thể so sánh với công nghệ phim truyền hình ở các nước tiên tiến, nhưng khi đã làm thì đạo diễn phải là người biết lôi kéo khán giả bằng những tình huống nóng và đầy kịch tính. Muốn vậy, nhà biên kịch và đạo diễn phải có nghề, có phương tiện kỹ thuật… Nhưng hiện nay, sản xuất phim truyền hình nước ta chưa vào quy trình chuyên nghiệp. Tôi quan niệm cái gốc của phim hay là nhờ kịch bản hay. Do gặp phải những điều “tế nhị”, các nhà biên kịch ít viết về những đề tài gai góc, táo bạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Họ đã quen viết kịch bản theo điện ảnh, tuy cùng chung ngôn ngữ nhưng cách thể hiện hình ảnh khác nhau”.
Theo quy định của Nhà nước, tỷ lệ phim truyện Việt Nam phát sóng trên truyền hình phải tương đương với phim truyện nước ngoài. Với kinh phí cho mỗi phim như hiện nay, Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP HCM khẳng định thù lao như vậy là chưa tương xứng với giá trị lao động nghệ thuật mà các đạo diễn phải bỏ ra, nhưng đó là điều “chẳng thể đừng”. Hy vọng, trong tương lai gần, ngành sản xuất phim truyền hình sẽ phát triển hơn nếu được sự quan tâm và giúp sức đúng mức hơn nữa.
(Theo Thanh Niên, 23/3)

1gom