Cội nguồn của cuộc xung đột ở Kashmir (II)

A
Cuộc chiến chỉ chấm dứt sau khi New Delhi đưa vấn đề Kashmir ra Liên Hợp Quốc. Theo một nghị quyết ngày 13/8/1948, Liên Hợp Quốc yêu cầu Pakistan phải rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi vùng tranh chấp Kashmir như Ấn Độ đã làm. Nhưng Islamabad phớt lờ quyết định của Liên Hợp Quốc và chiếm đóng một phần Kashmir.
Ngày 1/1/1949, một thoả thuận ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian được ký với quyết định dành 65% lãnh thổ Kashmir cho Ấn Độ kiểm soát và phần còn lại thuộc về Pakistan. Thoả thuận này vốn chỉ mang tính tạm thời nhưng Đường ranh giới kiểm soát hình thành từ thoả thuận đó thì đến nay vẫn được coi như biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir.

B
Binh sĩ Pakistan trong cuộc chiến tranh Kashmir năm 1965.

Đối với cá nhân tiểu vương Maharaja Hari Singh, sau khi ký thoả thuận với Án Độ thì tình hình lại càng trở lên khó khăn hơn. New Delhi có ý ủng hộ đối thủ không đội trời chung với ông là giáo chủ Hồi giáo Abdullah. Mọi nỗ lực giành lại quyền lực của Hari Singh đều thất bại và quyền lực rơii dần vào tay Abdullah. Đến năm 1949, tiểu vương Hari Singh đã buộc phải rời Kashmir. Con trai của ông là Karan Singh, lúc đó mới 17 tuổi, tuyên bố làm Tiểu vương Nhiếp chính ở Kashmir vào ngày 20/6/1949.
Mãi đến tháng 10/1951, cơ quan lập hiến Kashmir mới ra quyết định xoá bỏ hoàn toàn chế độ quân chủ tại đây. Về phần tiểu vương Maharaja Hari Singh, ông qua đời tại thành phố Bombay của Ấn Độ ngày 26/4/1961, trong khi số phận của Kashmir vẫn chưa được định đoạt.
Cuộc chiến tranh thứ hai ở Kashmir bùng nổ năm 1965 nhưng lệnh ngừng bắn đã được thiết lập ngay sau đó vài tháng. Sau đó, Thủ tướng Ấn Độ Lal Bhadur Shastri và Tổng thổng Pakistan Ayub Khan ký Hoà ước Tashkent do Liên Xô làm trung gian ngày 1/1/1966. Trong khi vấn đề Kashmir tưởng chừng như có thể giải quyết được thì ông Lal Bhadur Shastri bất ngờ qua đời và phe nhóm của tướng Yahya Khan thắng thế trên chính trường Pakistan đã làm thay đổi tất cả. Tình hình Kashmir tiếp tục lâm vào bế tắc.

A

Đến năm 1972, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi và người đồng nhiệm Pakistan Zulfikar Ali Bhutto đồng ý ký Hiệp ước Shimla, trong đó cam kết thực hiện lại những điều khoản của Hiệp ước Tashkent. Hai bên một lần nữa thoả thuận giải quyết vấn đề Kashmir thông qua biện pháp hoà bình. Nhưng những biến cố trên chính trường New Delhi và Islamabad sau đó lại làm thay đổi mọi thứ. Kashmir vẫn là vấn đề nóng bỏng giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tình hình căng thẳng Kashmir cũng là động lực dẫn đến cuộc chạy đua quyết liệt về vũ khí hạt nhân giữa hai nước với hàng loạt vụ thử tên lửa trong các năm 1998 và 1999. Mới đây nhất là vào tháng 12/2001, Ấn Độ và Pakistan lại đứng bên bờ vực một cuộc chiến tranh sau khi hai bên tập kết hàng chục nghìn quân ở khu vực biên giới. Nguyên nhân là do tình hình Kashmir đột ngột căng thẳng và New Delhi cáo buộc Islamabad hậu thuẫn cho các nhóm chiến binh Hồi giáo tấn công toà nhà Quốc hội Ấn Độ.
Sau nhiều cố gắng hoà bình vấn đề Kashmir hiện đã có phần dịu hơn trước, nhưng máu của người dân trong khu vực vẫn tiếp tục đổ. Cho đến tận hôm nay, sau khi hàng chục nghìn thường dân Kashmir thiệt mạng vì bạo lực nhưng Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm cuộc tranh chấp vùng đất màu mỡ và chiến lược này.
*Phần I
Đình Chính (theo BBC)

1gom