Ra toà 4 lần vẫn chưa đòi được công lý

Nếu tính đến ngày 17/6 thì vụ án dùng xe khách rượt nhà báo ở Kiên Giang xảy ra đúng 20 tháng. Vụ án xảy ra khi Ban giám đốc Đài PTTH Kiên Giang nhận được đơn khiếu kiện và cử hai nhà báo Nguyễn Thiện Cân và Bùi Xuân Vũ thực hiện phóng sự về thực trạng xe khách liên tỉnh tranh giành khách trái phép trong nội đô thị xã Rạch Giá.
Ngày 17/10/1999, nhà báo Bùi Xuân Vũ đến khu vực bến xe Lạc Hồng (cũ), ghi hình chiếc xe khách 65M-0081 đang xuống hàng và đón khách sai quy định. Bất ngờ, Xuân Vũ bị chủ xe Đặng Thị Thu (sinh năm 1957) đến giật ống kính không cho quay.
Sáng ngày 24/10/1999, Vũ và Cân quay trở lại khu vực này để quay thì lại thấy xe khách 65M-0081 tiếp tục vi phạm, liền cho camera thu hình ảnh trên. Anh Cân cho biết: “Lúc ấy, trên xe có một giọng nữ, sau mới biết đó là tiếng bà Thu (chủ xe), chửi thề và la lớn với tài xế: Quay xe lại cán chết mẹ nó đi. Lập tức, chiếc xe khách như con thú hung hãn cứ tiến thẳng về phía tôi và anh Vũ. Hoảng quá, tôi bảo anh Vũ cùng chạy về hướng đường Ngô Quyền. Chiếc xe lao tới với tốc độ cao nhưng rất may xe lỡ trớn đâm vào sát lề đường Lạc Hồng. Tôi và Vũ tranh thủ thời cơ ấy nhanh chân quay ngoặt lại phía đường Nguyễn Trung Trực. Tài xế vẫn không buông tha, cho xe quay đầu lại và rượt tiếp, chúng tôi phải chạy theo hình chữ chi. Khi đến một đám đông đang đứng chứng kiến cảnh rượt đuổi, tôi và Xuân Vũ liều nhảy vào đám đông ấy. Ngay sau đó chiếc xe 65M-0081 thắng gấp lại, chủ xe Đặng Thị Thu, tài xế Đinh Công Hoàng (sinh năm 1959) nhảy xuống xe đi đến định hành hung chúng tôi, nhưng được mọi người can ngăn…”.
Nội dung vụ việc mà hai nhà báo trình bày trùng khớp với những tình tiết trong bản cáo trạng của VKSND thị xã Rạch Giá ngày 26/5/2000. Nhưng ngày 23/6/2000, khi TAND thị xã Rạch Giá đưa vụ án ra xét xử thì chỉ nêu tội danh “gây rối trật tự công cộng” đối với Thu và Hoàng.
Sau đó, vụ án đã được chuyển từ cấp toà thị xã về cấp tỉnh thụ lý. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Kiên Giang, tội danh “gây rối trật tự công cộng” được “biến” thành “chống người thi hành công vụ”, quay ngược 180 độ so với bản cáo trạng do Viện KSND thị xã Rạch Giá xác lập trước đó. Một chi tiết quan trọng là: “Xuất phát từ bản chất hung hãn, xem thường pháp luật, Đinh Công Hoàng và Đặng Thị Thu đã dùng phương tiện giao thông xe khách 65M-0081 để rượt đuổi, la chửi anh Cân và Vũ, làm náo động khu vực công cộng” lại không được đề cập đến trong cáo trạng như kết luận trước đó của VKSND thị xã Rạch Giá.
Giải thích về việc hoãn xử trong lần thứ 4 này, ông Hùng, Phó chánh án TAND tỉnh Kiên Giang, nói: “Toà hoãn xử là do các nhân chứng được triệu tập không đến đủ. Lần tới, nếu đưa ra xét xử, các nhân chứng không đến thì toà sẽ áp dụng Điều 43 Khoản 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự dẫn giải họ đến để tiến hành xét xử vụ án, chứ không thể tiếp tục hoãn phiên toà vì thiếu nhân chứng như những lần trước”.
Vụ án rồi sẽ phải xét xử đúng với luật định, nhưng vấn đề mà dư luận tỉnh Kiên Giang và giới báo chí trong khu vực ĐBSCL quan tâm là các nhà báo dám đấu tranh vì sự công bằng xã hội, sẽ được bảo vệ như thế nào trước nạn khủng bố báo chí đang lan rộng ở nhiều nơi?
(Theo Lao Động, 21/6)

1gom